SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
7
8
5
3
6
3
Tin tức sự kiện 29 Tháng Tám 2012 2:55:00 CH

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, xây dựng ngành Tài chính ngày càng vững mạnh

Nhân Kỷ niệm 67 năm ngày Quốc khánh 2-9; Kỷ niệm ngày Truyền thống và 67 năm ngày thành lập ngành Tài chính, GS.,TS. Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí ngành Tài chính về những mốc son trong quá trình 67 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tài chính.

 

Trải qua 67 năm xây dựng và trưởng thành, từ một nền tài chính non trẻ đến nay ngành Tài chính đã xây dựng nền tài chính nước nhà trưởng thành trên nhiều mặt. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của ngành Tài chính thời gian qua?
Trải qua 67 năm trưởng thành và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức qua các thời kỳ phát triển của đất nước, ngành Tài chính Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, đóng góp quan trọng với sự nghiệp cách mạng và quá trình phát triển của đất nước. Ngành Tài chính đã đảm bảo nhu cầu tài chính cho Nhà nước và nhân dân ta giành toàn thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đất nước thống nhất, ngành Tài chính cùng các ngành, các cấp thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc, từng bước hình thành một nền tài chính vững mạnh theo yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, thể chế tài chính đã không ngừng được hoàn thiện, tập trung tháo gỡ các rào cản về cơ chế; hình thành một môi trường đầu tư thống nhất, công bằng, minh bạch; phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính. Hệ thống pháp luật về động viên ngân sách nhà nước (NSNN) được đổi mới một cách mạnh mẽ và căn bản, góp phần động viên hợp lý các nguồn lực từ sản xuất và các nguồn lực từ tài nguyên, đất đai; đồng thời tạo cơ sở để Việt Nam hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế.
Tài chính quốc gia không ngừng được tăng cường, lớn mạnh trên tất cả các phương diện (tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư), góp phần quan trọng đưa nước ta bước vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình; đồng thời từng bước khẳng định vị thế, vai trò của tài chính Việt Nam trên trường quốc tế.
Chỉ riêng tài chính nhà nước, quy mô thu NSNN theo giá hiện hành năm 2011 so với năm 1991 đã tăng khoảng 68 lần. Sự lớn mạnh của nền tài chính quốc gia không chỉ cho phép chúng ta chủ động thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn tạo điều kiện giải quyết hiệu quả an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Về cơ bản, tài chính đã thực hiện tốt vai trò mở đường, thúc đẩy phát triển kinh tế và chính sự phát triển của sản xuất đã tạo ra nền tảng ngày càng vững chắc cho tài chính quốc gia.
Nhìn lại cục diện phát triển tài chính quốc gia cho thấy từ nền tài chính hết sức khó khăn, phụ thuộc nhiều vào bên ngoài của thời kỳ trước năm 1991, vượt qua thách thức của cấm vận quốc tế, ngành Tài chính Việt Nam đã có sự phát triển và lớn mạnh trên nhiều mặt, đặc biệt là đảm bảo vững chắc an ninh tài chính quốc gia vượt qua các tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1998), khủng hoảng tài chính thế giới (2008-2009).
Tài chính với tư cách là công cụ quản lý vĩ mô của nền kinh tế đã góp phần to lớn thúc đẩy công cuộc đổi mới, trở thành công cụ sắc bén điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên tối đa mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Thành tựu trong cải cách, phát triển tài chính thời gian qua là to lớn và rất đỗi tự hào, đó là sự kết tinh của những nỗ lực, vươn lên không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công chức ngành Tài chính, đồng thời cũng là bằng chứng sống động chứng minh cho sự đúng đắn và sáng tạo trong đường lối, chủ trương đổi mới, phát triển tài chính của Đảng ta.
Có thể nói, những thành công vừa qua của ngành Tài chính là nhờ vào đội ngũ cán bộ đã và đang phát huy truyền thống của các thế hệ lớp trước, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao hơn của một ngành quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Xin ý kiến đánh giá của Bộ trưởng về vấn đề này?
Để ngành Tài chính đạt được những thành tựu to lớn như trên, trước hết là do toàn Ngành đã thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng, kiên trì đổi mới, hăng hái thi đua, lao động sáng tạo để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đã kiên trì phương châm khuyến khích sản xuất, thực hành tiết kiệm, khai thác tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xác định nhân tố con người là yếu tố quyết định, chúng ta đã rất quan tâm, chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực hiện đại hóa hoạt động quản lý.
Từ một số ít cán bộ kinh tài thuở ban đầu, đến nay, đội ngũ cán bộ ngành Tài chính đã rất hùng hậu. Toàn ngành Tài chính có trên 76.000 công chức, viên chức, trong đó có 2,5% cán bộ có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ; gần 55% cán bộ có trình độ đại học. Lực lượng cán bộ của ngành được bố trí đảm nhiệm các nhiệm vụ ở nhiều cấp khác nhau, từ Trung ương đến cấp tỉnh, nhiều đơn vị được bố trí đến cấp huyện (như Thuế, Kho bạc, Hải quan, Dự trữ).
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ trong sự nghiệp phát triển, Bộ Tài chính luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chấp hành kỷ cương, kỷ luật cũng được Ngành đặc biệt chú trọng nhằm hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Trong suốt 67 năm qua, phát huy truyền thống, theo gương các thế hệ đi trước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đã trưởng thành và tiến bộ trên nhiều phương diện. Các thế hệ cán bộ, công chức của ngành Tài chính luôn giữ được phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; không ngừng bồi dưỡng, rèn  luyện nâng cao trình độ, giữ gìn phẩm chất, tô đậm thêm nét son cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của người cán bộ tài chính.
Nhiệm vụ của Ngành trong thời gian tới, trước mắt là ngay trong năm 2012 là rất nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng cán bộ, công chức trong toàn Ngành. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang 67 năm qua, thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tài chính hôm nay luôn đồng tâm, hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục xây dựng ngành Tài chính ngày càng vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước trong tình hình mới.
Trọng trách đặt lên vai mỗi cán bộ công chức ngành Tài chính là rất nặng nề trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn phải thực hiện cho được nhiệm vụ tài chính- ngân sách đề ra. Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, xin Bộ trưởng cho ý kiến chỉ đạo về công tác trong thời gian tới để toàn ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó?
Trong những năm tới, tình hình kinh tế thế giới được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn, cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước phát triển và những ảnh hưởng của nó tới kinh tế toàn cầu vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Trong khi đó, cạnh tranh kinh tế trên phạm vi toàn cầu ngày càng gay gắt, tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang buộc nhiều quốc gia phải xem lại mô hình tăng trưởng của mình.
Ở trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có xu hướng ổn định, nhưng nền kinh tế vẫn còn tiếp tục đối mặt với những yếu kém nội tại, như áp lực lạm phát còn lớn; chất lượng tăng trưởng còn thấp; thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn là những “điểm nghẽn” cho phát triển; bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, tệ tham nhũng vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp…
Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát của ngành Tài chính giai đoạn 2012 – 2015 và đến năm 2020 là: “Hoàn thiện cơ chế tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ giải phóng lực lượng sản xuất, huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phát triển bền vững với mức tăng trưởng hợp lý; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính kết hợp với hiện đại hóa, tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính”.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 và những năm tiếp theo là triển khai thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo Kết luận của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.
Để đạt được mục tiêu này, ngành Tài chính sẽ tổ chức thực hiện có kết quả các nhóm giải pháp chủ đạo sau: Thứ nhất, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia, trong đó hoàn thiện hệ thống chính sách thu đi đôi với cơ cấu lại thu NSNN, sửa đổi, bổ sung chính sách thu từ đất và hệ thống chính sách tài chính khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính, thực hiện tái cấu trúc đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn vốn NSNN.
Thứ ba, hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, cạnh tranh lành mạnh; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thứ tư, thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hoá nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công.
Thứ năm, phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, cơ cấu lại thị trường chứng khoán; tăng cường năng lực hoạt động của các tổ chức tham gia thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về tài chính.
Thứ bảy, nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; nâng cao kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, đảm bảo hoạt động tài chính thông suốt, chất lượng và hiệu quả.
Thứ chín, toàn Ngành tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng khoá XI, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ song song với việc tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang trong 67 năm xây dựng và trưởng thành, nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính quyết tâm tranh thủ các điều kiện thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.
(Theo mof.gov.vn)

Số lượt người xem: 3805    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm