SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
1
9
3
8
1
2
7
 
Nội dung tìm:
 
Ngày bắt đầu:
Ngày bắt đầu
Ngày kết thúc:
Ngày bắt đầu
 
Tìm theo:  
Tháng:  
Năm:  

Tình hình giá cả thị trường thành phố tháng 8 năm 2023

I/ Tổng quan:

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2023 tăng 0,7% so tháng trước.

1. Giá lương thực:         

Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 3,33% so tháng trước chủ yếu bởi giá gạo tăng 5,34%, giá bột mì và ngũ cốc khác tăng 0,68% do Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường đã đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao kéo theo giá gạo trong nước. Cũng theo đó, giá gạo bình ổn tại Thành phố cũng được điều chỉnh tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg các loại, tương ứng mức tăng từ 4%-10%.

Trên thị trường giá bán lẻ mặt hàng gạo tăng 1.000-1.500đ/kg, hiện phổ biến ở mức: gạo 25% tấm giá 17.500đ/kg,  gạo tẻ ngon 21.000đ/kg, gạo ST 25 giá 27.500đ/kg.

Giá bán các mặt hàng gạo tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Giáp Thìn năm 2024 áp dụng từ ngày 21 tháng 8 năm 2023 như sau:

- Gạo trắng thường 5% tấm là 16.000đ/kg (không bao bì) và 17.000đ/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg, 10kg, 25kg).

- Gạo Jasmine: 17.000đ/kg (không bao bì) và 19.000đ/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg).

2. Giá thực phẩm:

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,16% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau:

+ Thịt gia súc tăng 0,41% so với tháng trước, giá thịt heo tăng 0,93% do nguồn cung giảm và sức mua đang tăng trở lại.

+ Thịt gia cầm tăng 1,19% so tháng trước do trong mùa mưa gia cầm dễ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp.

+ Dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,74% so tháng trước do ngưng các chương trình khuyến mãi.

+ Rau tươi, khô và chế biến tăng 0,7% so tháng trước; các loại đậu và hạt tăng 0,25%; thủy sản chế biến tăng 0,3% do yếu tố thời tiết có nhiều mưa đã ảnh hưởng đến năng suất một số loại rau.

+ Một số mặt hàng tăng giá so tháng trước như: gia vị tăng 0,92% do hết thời gian thực hiện chương trình khuyến mãi nên trở về giá cũ; đường tăng 2,43% do thời tiết bất lợi nên năng suất giảm.

Ở chiều ngược lại, các mặt nhóm hàng có giảm giá so với tháng trước:

+ Quả tươi, chế biến giảm 0,71% so tháng trước do một số loại trái cây vào mùa, nguồn cung dồi dào.

+ Giá trứng các loại giảm 0,13%; thủy sản tươi sống giảm 0,28%; nước mắm, nước chấm giảm 0,32%; sữa, bơ, phô mai giảm 0,26%; bánh, mứt, kẹo giảm 0,38%, … do nhu cầu giảm nên nhà cung cấp thực hiện giảm giá và khuyến mãi.

3. Giá một số hàng hóa, dịch vụ khác:

- Vật liệu xây dựng:

So tháng trước, giá bán mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng giảm 0,16%, thép xây dựng các loại giảm 1,77%-2,31%, cát vàng xây dựng giảm 0,2%, trong khi cát san lấp, gạch xây, tấm lợp tăng 0,07%-1,12%, còn lại cát đen, đá dăm, sơn tường, gạch lát nền, ngói lợp, bả bột trát tường ổn định.

- Gas:

Ngày 01 tháng 8 năm 2023, giá gas thế giới tăng 77,5 USD/tấn so tháng trước, hiện ở mức 465USD/tấn. Theo đó, kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2023, giá bán lẻ gas trong nước cũng đã điều chỉnh tăng khoảng 26.000đ/bình 12 kg so với tháng trước.

Cụ thể, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng dao động khoảng 369.000-389.000 đồng/bình 12kg tùy thương hiệu.

Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã 5 lần giảm (tháng 1,  tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 3 lần tăng (tháng 2, tháng 5 và tháng 8).

- Xăng, dầu:

Trong tháng báo cáo giá xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh, cụ thể:

+ Lần 01: ngày 01 tháng 8 năm 2023, giá xăng các loại tăng 1160-1170đ/lít, xăng A95 ở mức 23.960đ/lít, xăng E5 ở mức 22.790đ/lít; mặt hàng dầu hỏa tăng 1090đ/lít và dầu diesel tăng 1110đ/lít, lần lượt ở mức 20.270đ/lít và 20.610đ/lít.

+ Lần 02: ngày 11 tháng 8 năm 2023, giá xăng các loại tăng 30đ/lít, xăng A95 ở mức 23.990đ/lít, xăng E5 ở mức 22.820đ/lít; mặt hàng dầu hỏa ở mức  21.880đ/lít tăng 1610đ/lít và dầu diesel tăng 1810đ/lít ở mức 22.420đ/lít.

+ Lần 03: ngày 21 tháng 8 năm 2023, giá xăng các loại tăng 510-610đ/lít, xăng A95 có giá 24.600đ/lít, xăng E5 có giá 23.330đ/lít; mặt hàng dầu hỏa tăng 420đ/lít, trong khi dầu diesel giảm 70đ/lít, lần lượt ở mức 22.300đ/lít và 22.350đ/lít.

II/ Công tác quản lý giá trên địa bàn thành phố:


1. Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố:

Căn cứ Quyết định số 962/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 – Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đã chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình giá thị trường nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để kịp thời nắm thông tin thị trường, xử lý và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp quản lý giá trong trường hợp có biến động, điều chỉnh kịp thời và chính xác đối với mức giá đăng ký của doanh nghiệp tham gia các Chương trình bình ổn thị trường.

Đối với Chương trình bình ổn thị trường trong tháng :

Qua kiểm tra hóa đơn đầu vào mua nguyên liệu của các đơn vị tại thời điểm tháng 8/2023: gạo tăng từ 14%-23%, đường ăn tăng 11,8% so thời điểm tháng 3/2023. Theo quy định của Chương trình đã đủ điều kiện điều chỉnh giá.

Trên cơ sở rà soát hồ sơ và theo dõi tình hình giá thị trường, ngày 07 tháng 8 năm 2023, Tổ Công tác thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp để xem xét điều chỉnh giá gạo tăng 1.000-2.000đ/kg và đường ăn tăng 1.000đ/kg, thời gian áp dụng mức giá điều chỉnh từ ngày 21 tháng 8 năm 2023.

Sau khi điều chỉnh, giá các mặt hàng gạo và đường ăn trong chương trình bình ổn thị trường vẫn đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 5%-29%, đáp ứng đúng quy định của chương trình.

- Đối với giá theo dõi tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố, các chợ trong mạng lưới báo giá của Sở Tài chính và giá tại các kênh siêu thị trên thị trường, qua so sánh hiện nay, giá bán hầu hết của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đều đảm bảo tiêu chí Giá bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (trừ rau củ quả, sữa), các mặt hàng phục vụ học tập, các mặt hàng thuốc thiết yếu: thấp hơn tối thiểu 5% so với Giá bình quân thị trường cùng thời điểm của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng, cụ thể: giá gạo thấp hơn giá thị trường 5,6%-14,3%; đường ăn thấp hơn 7,14%-15,3%; dầu ăn thấp hơn 7,2%; thịt gia cầm thấp hơn 6,2-28,3%, thịt heo thấp hơn 5-9,8%; trứng gia cầm thấp hơn  7,8-10,4%.

2. Công tác tiếp nhận văn bản kê khai giá:

Thực hiện theo Thông tư số 233/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Thông báo số 215/TB-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố ngày 13 tháng 12 năm 2022 về ban hành danh sách tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai giá trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tháng 08 năm 2023, phòng Quản lý giá đã hướng dẫn, tiếp nhận 44 hồ sơ kê khai giá và 07 thông báo giá, trong đó: 02 hồ sơ kê khai và 01 thông báo giảm giá xi măng; 04 hồ sơ kê khai và 02 thông báo giảm giá thép xây dựng; 07 hồ sơ kê khai và 01 thông báo tăng, giảm giá phân bón hóa học; 09 hồ sơ kê khai tăng giá mặt hàng khí hóa lỏng (gas); 01 hồ sơ kê khai giá thuốc bảo vệ thực vật; 02 hồ sơ kê khai và 01 thông báo tăng, giảm giá thức ăn chăn nuôi; 05 hồ sơ kê khai giá vacxin phòng bệnh cho gia súc, thuốc thú y (có tăng, có giảm, có kê khai mới); 01 hồ sơ kê khai tăng giá mặt hàng đường ăn; 02 hồ sơ kê khai giá than; 11 hồ sơ kê khai và 02 thông báo biến động giá của hệ thống siêu thị (tăng, giảm theo chương trình khuyến mãi của siêu thị và nhà cung cấp).  

1
2 3 4 5 6 7 8 9
Trang tiếp theo Trang cuối

Tìm kiếm