Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Để bảo đảm các điều kiện cho mọi người dân trong cả nước được đón Tết truyền thống của dân tộc trong không khí phấn khởi, vui tươi, an toàn và tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, cung ứng hàng hóa để trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ đáp ứng đủ, kịp thời mọi nhu cầu hàng hóa của nhân dân, bảo đảm bình ổn thị trường và giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả) và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu Tết.
Trong Công điện, Thủ tướng nêu rõ, cần chú trọng việc cung ứng hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, những khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp; tăng cường quản lý giá, thanh tra, kiểm tra việc chấp hàng các quy định về giá và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo 127 Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND các cấp, các lực lượng chức năng trung ương và địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, các vi phạm về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng, trên các địa bàn, tuyến đường trọng điểm, các tỉnh biên giới; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Công tác quản lý giá dịp cuối năm là rất quan trọng, bởi “đến hẹn lại lên”, giá cả thường tăng đột biến trong dịp Tết nguyên đán. Nhận thức rõ điều đó, ngay từ đầu tháng 11-2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Trong đó chú trọng theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để chủ động tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường; đồng thời, căn cứ thẩm quyền và điều kiện thực tế, khả năng tài chính của địa phương để tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá tại địa phương.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, phí trông giữ xe đạp, ô tô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ động, thực vật, thức ăn chăn nuôi....; Phối hợp với sở, ban, ngành liên quan giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh; tăng cường quản lý thu, kiểm soát thu NSNN, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá; thực hiện quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm; rà soát, sắp xếp lại, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, hạn chế tối đa việc bổ sung dự toán và ứng vốn….
(Theo Website Bộ Tài chính)