Ảnh nguồn Internet
Cụ thể, nguồn kinh phí để thực hiện mức lương tối thiểu mới đối với cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể; đơn vị sự nghiệp công được được lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên; sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng ngành y tế là 35%); các nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2011 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2012 (nếu có).
Đối với địa phương, ngoài được sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên, 40% số thu được để lại, nguồn cải cách tiền lương năm 2011 chưa sử dụng hết, còn được sử dụng 50% số tăng thu ngân sách (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) của năm 2011 so với dự toán năm 2011 và 50% tăng thu ngân sách (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) của dự toán năm 2012 so dự toán năm 2011.
Cũng theo Thông tư 74/2012/TT-BTC, trường hợp nguồn không đủ để các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách chi trả tiền lương mới NSTW sẽ bổ sung phần còn thiếu để đảm bảo đủ nguồn thực hiện.
Ngược lại, trường hợp nguồn để chi trả tiền lương mới lớn hơn nhu cầu, phần không chi hết các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách được giữ lại để thực hiện chế độ tiền lương mới tăng thêm khi Nhà nước tiếp tục ban hành, không sử dụng phần kinh phí còn lại này cho các mục tiêu khác.
Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện khoán chi như cơ quan thuế, hải quan, Đài Truyền hình Việt Nam... phải tự đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ tiền lương mới tăng thêm trong tổng mức kinh phí đã được khoán.
Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2012.
(Theo eFinance Online – Tài chính điện tử)