Năm tháng chiến tranh ác liệt đã đi qua, nhưng những ký ức về Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn sẽ sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và đã trở thành một thiên hùng ca bất tử, một bộ phận quan trọng trong hệ thống vận tải quân sự chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong suốt 14 năm ròng rã chiến đấu (1961 – 1975), cán bộ chiến sĩ trên tuyến vận tải biển đã vượt qua muôn vàn gian khổ, vượt qua sóng to, gió lớn, vượt qua sự phong tỏa ác liệt, vây ráp gắt gao của kẻ địch. Hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh và hàng chục ngàn lượt người đã từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn, trực tiếp góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng tự hào của dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; là trí tuệ, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một biểu tượng đẹp trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Đã 38 năm trôi qua nhưng những chiến công huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị và có sức lay động đến hàng triệu con tim. Nhằm phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần biến những giá trị lịch sử thành sức mạnh của hiện tại, biến những bài học kinh nghiệm của ngày hôm qua thành một phần quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Để làm được điều đó, trước hết cần tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, về truyền thống quý báu về những chiến công, những con người đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc; xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của của Tổ quốc theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mặt khác, cần quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là hoạt động đối ngoại quân sự, tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trên biển; tham gia tốt các hoạt động giao lưu với hải quân các nước trong khu vực, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển... nhằm giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, trật tự an ninh và phát triển kinh tế biển.
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, cần khơi dậy lòng tự hào, hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc nhằm phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững tinh thần độc lập, ý chí tự cường, bản lĩnh và trí tuệ thanh niên Việt Nam trong tình hình mới. Và quan trọng hơn hết, thế hệ trẻ hôm nay – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, cần đóng góp sức mình bằng những việc làm cụ thể vào công cuộc xây dựng biển đảo quê hương bằng chính tài năng, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của mình. Thanh niên cần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện lập nghiệp tại các vùng biển, hải đảo xa xôi của Tổ quốc, đóng góp tích cực trong nhiều chương trình hướng về biển đảo như “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”,“Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc”, “Góp đá xây Trường Sa”… xây dựng cho mình tinh thần, trách nhiệm và ý thức tham gia các hoạt động chính trị xã hội, làm tăng thêm tinh thần yêu nước và dần khẳng định được tiếng nói, nguyện vọng của thế hệ trẻ Việt Nam.
Trong chiến tranh, các thế hệ thanh niên đã gửi lại bao hoài bão trên ghế nhà trường, giảng đường đại học, để đi theo tiếng gọi của non sông, tiếng gọi lý tưởng. Những người con giữa sự sống và cái chết không còn khoảng cách vì miền Nam, vì thống nhất đất nước. Những khẩu hiệu như “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” là những “lá chắn thép” vững chắc giúp họ vượt qua tất cả. Những dòng máu họ đổ xuống là những dòng máu của “Lá cờ tất thắng”. Và hôm nay, tuổi trẻ đang có mặt khắp mọi miền Tổ quốc – những nơi gian khổ mà vinh quang. Chúng ta tin rằng, khát vọng “sống để yêu thương và dâng hiến” sẽ mãi mãi được ấp ủ, nung nấu trong trái tim tuổi trẻ. Nó sẽ trở thành một chân lý, lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam ở mọi thời đại, nó sẽ bùng lên rực rỡ “Khi Tổ quốc cần”:
“Hãy bay lên, này trái tim thanh niên
Vì cuộc sống này từng ngày bình yên
Khi Tổ quốc cần thanh niên ta tiến lên
Hãy bay lên và hát vang câu ca
Vì cuộc sống này giàu đẹp mai sau
Khi Tổ quốc cần thanh niên ta hành động”.
(Hoàng Trần Tiến Hoài- giải nhì Hội thi trực tuyến “Biển đảo quê hương”)