SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
5
8
1
2
9
Tin tức sự kiện 27 Tháng Năm 2013 10:15:00 SA

Kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2013), ngày 13/05/2013, đại diện Chi bộ Công sản đã kể câu chuyện kỷ niệm về ngày sinh của Bác.
Đại diện Chi bộ Công sản kể câu chuyện những kỷ niệm ngày sinh của Bác

 

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam...”. Cuộc đời 79 mùa xuân tươi sáng, Bác đã cống hiến trọn vẹn cho dân, cho nước. Bác vui với niềm vui chung của dân tộc, Bác đau khi nhìn thấy nhân dân lầm than, nước mất, nhà tan…
Sinh thời, cứ đến dịp 19-5, kỷ niệm Ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức linh đình vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời để đấu tranh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Trọn đời vì nước vì dân nhưng những dịp sinh nhật của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người thầy của Cách Mạng Việt Nam lại rất đỗi giản dị.
Sáng 19/5/1946, tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội), lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ. Người đã tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam bộ đến chúc thọ Người. Trong buổi sinh nhật ấy, đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác nói: ''Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc...''
Mỗi dịp sinh nhật, thay việc tổ chức tiệc chúc thọ linh đình, tặng quà, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bè bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết. Đặc biệt, Người còn làm thơ nói về tuổi tác của mình thay những lời cảm tạ. Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ của Bác Hồ tuy nói về Ngày sinh của mình, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước, đồng bào, đồng chí, cao hơn là nguyên tắc sống của một lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam suốt đời “Trung với Ðảng, hiếu với dân”; đồng thời, thể hiện đường lối lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam về “thực hành tiết kiệm”, chống xa hoa, lãng phí trước hoàn cảnh đất nước còn không ít khó khăn, thiếu thốn!
Trước ngày 19/5/1948, Người đã làm bài thơ "Không đề” trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật Bác:
''Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta''.
Ngày 19/5/1948, Bác đã viết thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã gửi thư chúc mừng nhân ngày sinh của Người. Bức thư có đoạn: "Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn...".
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có lần Bác Hồ đi công tác ở chiến khu Việt Bắc vào đúng dịp sinh nhật của Người. Trước khi đi, Bác giao cho những người phục vụ, bảo vệ ở nhà đánh bắt cá tại ao cá mà Người vẫn hàng ngày chăm sóc, biếu các cụ già, các cháu bé, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và anh chị em trong cơ quan hàng ngày vẫn phục vụ, chăm sóc Bác để cải thiện bữa ăn. Việc làm của Người vừa thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống đối với mọi người, vừa là để cảm ơn mọi người đã tận tụy công tác, chăm lo cuộc sống hàng ngày cho Bác.  
Trên cương vị là Chủ tịch nước, hàng năm, vào Ngày sinh của mình, Bác thường đi làm việc hoặc đến thăm hỏi một số nơi để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém. Có năm, vào dịp Ngày sinh của Bác, Người sang công tác tại Trung Quốc. Ở đây, các đồng chí nước bạn biết Ngày sinh của Bác nên chuẩn bị chúc thọ. Thấy vậy, Người ân cần nói với cán bộ phụ trách nhà nghỉ: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây”. Vào một dịp sinh nhật năm khác, Bác sang Trung Quốc với ý nghĩa như Người đã viết trong thư gửi bà Ðặng Dĩnh Siêu - Cán bộ cao cấp của Ðảng Cộng sản Trung Quốc: “Tôi đi Trung Quốc lần này có mục đích và yêu cầu thật đơn giản, đó là đi du lịch, đi để tránh “chúc thọ”, tránh “tặng quà”.  
Vào sinh nhật lần thứ 78, sau khi dự khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa III, ngày 20-5-1968, bằng những lời lẽ chân tình, mộc mạc, kèm theo bốn câu thơ chan chứa tình cảm, thể hiện khí phách của Người trước toàn dân tộc: “Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thế thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ này:
Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước! Ta cùng con em ta...”
Lời thơ như tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ, động viên toàn dân tộc tiếp tục “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Câu kết của bài thơ như lời hứa danh dự của Bác trước dân tộc: Bác luôn sát cánh, tiến bước cùng dân tộc Việt Nam không chỉ đến ngày non sông thu về một mối mà cho cả đến tận những năm tháng bây giờ, cả nước đang tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.  
Mỗi dịp sinh nhật của Người luôn là một bài học quý giá cho chúng ta trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của đất nước. Sinh nhật của Người giản dị, thanh cao như chính con người Bác vậy! Sinh nhật là dịp để Người bày tỏ tình cảm bao la của mình đối với toàn dân tộc. Tình cảm của Người được nhà thơ Tố Hữu khắc hoạ trong bài “Theo chân Bác”:
Như đỉnh non cao tự giấu mình
Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh”.
Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng trong những dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị mà cao thượng biết bao! Đó là bản chất của người cách mạng chân chính - người ‘‘đầy tớ” trung thành của nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Người trở nên cao đẹp, vĩ đại. Tấm lòng và đạo đức cách mạng sáng ngời của Người mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.  
Chi bộ Công sản

Số lượt người xem: 3737    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm