|
Việc miễn và gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng đã góp phần tạo điều kiện để các DN và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân vượt qua được khó khăn, ổn định sản xuất |
Năm 2012 đã trôi qua nhưng dư âm và ý nghĩa của nó sẽ còn tiếp tục và sẽ còn được nhắc lại để rút ra nhiều bài học dưới nhiều góc độ… Trong lịch sử kinh tế-tài chính quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng trong 2 thập kỷ qua, 2012 là năm hội tụ tập trung và đỉnh cao của những sức ép, khó khăn toàn diện và nặng nề nhất, cả cấp vĩ mô, lẫn vi mô; đồng thời, cũng là năm chứng kiến sự triển khai hàng loạt các chính sách, cũng như các thử nghiệm chưa từng có, với khá nhiều kịch tính, nhất là tình hình tăng nợ đọng, nợ xấu, tăng chêch lệch giá thị trường vàng trong nước với nước ngoài, tăng lượng hàng tồn kho và bất động sản…
Trong bối cảnh đó – nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi nhận định rằng nhiệm vụ NSNN năm 2012 đã đạt được “thắng lợi kép”, với giải pháp đặc biệt là “giảm thuế để tăng thu” đã phát huy tác dụng trên thực tế. Có thể nói trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN là rất ấn tượng, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp giãn, giảm, miễn thuế nhằm bồi dưỡng nguồn thu, giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, vừa hoàn thành dự toán ngân sách được giao và "về đích" đúng hạn, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các cấp ngân sách, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Có thể nói đây cũng chính là một kết thúc có hậu cho ngành Tài chính Việt Nam năm 2012.
Chủ động hỗ trợ tích cực DN vượt khó khăn
Trước những khó khăn của nền kinh tế và các DN trong nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN và khôi phục sự tăng trưởng của nền kinh tế. Các chính sách tài chính được tô đậm nét và chiếm vai trò hết sức nổi bật trong Nghị quyết 29/2012/QH13 của Quốc hội, Nghị định số 60/2012/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ. Chấp hành nghiêm túc và nhanh chóng tinh thần chỉ đạo đó, ngành Tài chính đã triển khai tích cực thực hiện các chính sách về miễn, giảm, giãn thuế cho DN, đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm phấn đấu giảm 10 - 15% chi phí tuân thủ tục hành chính thuế, hải quan cho cá nhân, tổ chức và DN, rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng, đẩy mạnh triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế và hải quan; Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu,…
Kết quả, mới chỉtính đến 12/6/2012, riêng Cục Thuế TP. Hà Nội đã thực hiện giãn, giảm, gia hạn 5.150 tỷ đồng tiền thuế cho hơn 70.000 DN nhỏ và vừa của Hà Nội. Trên phạm vi cả nước, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính đến tháng 11/2012, ngành Thuế đã xử lý miễn, giảm, gia hạn tiền thuế theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nêu trên cho khoảng 457.500 lượt DN và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân, với số tiền khoảng 19.025 tỷ đồng; trong đó: Thực hiện miễn và gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng đối với khoảng 216.450 lượt DN và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân, với số tiền khoảng 11.160 tỷ đồng; Thực hiện miễn, giảm và gia hạn tiền thuế thu nhập DN đối với khoảng 203.550 lượt DN, với số tiền khoảng 4.940 tỷ đồng; Gia hạn tiền sử dụng đất cho trên 340 DN, với số tiền gần 2.470 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho khoảng 3.610 DN, với số tiền 445 tỷ đồng; Miễn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng…
Sự vào cuộc tích cực của ngành Tài chính đã tạo hiệu ứng tức thì trong góp phần khích lệ tinh thần và trực tiếp giúp các DN giảm bớt khó khăn trước mắt và nâng dần sức cạnh tranh. Trong những tháng cuối năm 2012, số lượng các DN dừng hoạt động đã giảm dần (trung bình chỉ còn trên dưới 1 ngàn DN/tháng so với mức từ 4-5 ngàn DN/tháng trước đó) và đi cùng với đó là sự gia tăng số các DN quay trở lại hoạt động (khoảng 6 ngàn DN); đồng thời, lượng hàng tồn kho của DN cũng giảm mạnh từ mức tăng trung bình trên dưới 40% trong quý I/2012, xuống còn trên dưới 20% trong quý IV/2012 so cùng kỳ năm ngoái…
Phát huy tinh thần và kêt quả đó, như khẳng định của Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính - Nguyễn Công Nghiệp tại buổi làm việc với TP. Hà Nội ngày 13/12/2012, Bộ Tài chính luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của DN, các Hiệp hội DN. Bên cạnh đó Bộ sẽ tham vấn ý kiến của các chuyên gia kinh tế - tài chính, các các đơn vị tham mưu về chính sách tài chính để làm căn cứ tổng hợp, xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội những đề xuất và biện pháp mang tính tập trung, đột phá và phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
Cán đích thu ngân sách theo dự toán kế hoạch
Trái với truyền thống tốc độ tăng thu NSNN thường xuyên ở mức cao suốt giai đoạn 2006-2011 và tổng thu NSNN luôn vượt dự toán (trung bình vượt khoảng 20% so với dự toán, thậm chí năm 2008 thu vượt tới gần 70% so với dự toán), thu NSNN năm 2012 gặp áp lực do tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, số DN giải thể phá sản tăng mạnh, giảm nhập khẩu các hàng xa sỉ có mức thuế nhập khẩu cao, cũng như do chính hệ quả chính sách giãn, giảm thuế của Nghị quyết số 13/NQ-CP nêu trên (theo Bộ Tài chính, để triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP, NSNN dự kiến giảm thu 1,2% dự toán tổng thu NSNN cả năm 2012 và tổng giá trị thực tế DN được hưởng tương đương 1% GDP dự tính so với qui mô xấp xỉ 10% GDP của gói kích thích kinh tế năm 2009 ).
Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tính đến 31/12/2012, tổng thu NSNN cả nước đạt 741.500 tỉ đồng, tức vượt 1 ngàn tỷ đồng so với dự toán kế hoạch là 740.500 tỷ đồng (trong đó, tổng thu NSNN trên địa bàn Hà Nội đạt 146.135 tỷ đồng, đạt 99,9% dự toán giao; nhưng thu nội địa, gồm cả dầu thô, đạt 137.006 tỷ đồng, vượt 1,2% dự toán được giao).
Để đạt được thành công trọn vẹn này, ngành Tài chính đã phải nỗ lực ráo riết đôn đốc thu trong 2 tháng còn lại của năm 2012 tới trên 176 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ ¼ tổng thu kế hoạch cả năm, cụ thể là trung bình mỗi tháng này phải thu đạt 11,9% kế hoạch năm, trong khi thu bình quân 10 tháng chỉ là 7,6% kế hoạch. Một năm khó khăn và áp lực thu căng thẳng tới mức đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã phải “tả xung hữu đột” và hơn một lần thể hiện không chỉ ở Quốc hội là chưa có năm nào áp lực thu và cân đối NSNN lại căng như năm nay; phải căn cơ từng đồng thuế thu qua giá xăng dầu để bù vào khoản thiếu hụt do hỗ trợ DN; thậm chí đã tưởng không thể tìm nguồn để thực hiện tăng lương theo lộ trình cho năm 2013 và khéo co kéo lắm cũng mới chỉ thực hiện được một phần theo đúng lộ trình tăng lương này… Không lo sao được khi mà 10 tháng đầu năm 2012, tổng thu NSNN mới ước đạt 76,2% dự toán, thu tiền sử dụng đất mới đạt khoảng 64% dự toán và thuế nhà đất chỉ khoảng 20% dự toán; Và may mắn là bù lại, thu NSNN từ dầu thô với hai khoản thu thuế TNDN và thuế tài nguyên lại vượt dự toán vừa do tăng sản lượng vừa do được lợi về giá và sau 9 tháng đã đạt 99,6% dự toán và thu từ dầu thô đã chiếm tới 17,4% tổng thu NSNN 9 tháng đầu năm - cao hơn hẳn tỷ trọng 11,7% tổng thu NSNN theo dự toán).
Trong khi vất vả với áp lực thu NSNN, thì nhiệm vụ chi NSNN lại tăng lên và cũng căng thẳng không kém. Đến hết tháng 10/2012, tổng chi NSNN ước đạt 78,8% dự toán. Vốn đầu tư từ NSNN giải ngân đạt khoảng 76,2% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 75,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, hiện tượng chưa bao giờ như năm 2012, khi mà không chỉ một tỉnh đã phải có địa phương nợ lương công chức của mình vì thu NSNN không đủ chi trên địa bàn…trong khi đó, ngân sách trung ương đã tạm cấp kinh phí cho các địa phương 725 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; 434,4 tỷ đồng để hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, hỗ trợ học sinh, sinh viên mua thẻ BHYT... Bên cạnh đó, đã xuất cấp 41.376 tấn gạo dự trữ quốc gia trị giá khoảng 413 tỷ đồng để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo…
Nhìn lại năm 2012, về cơ bản các chính sách tài chính vĩ mô đã được điều hành tốt theo định hướng vừa trực tiếp hỗ trợ vượt qua khó khăn trước mắt, vừa củng cố niềm tin và tạo dựng khuôn khổ vĩ mô trung hạn, trực tiếp và gián tiếp góp phần tích cực vào sự ổn định chung và tiếp tục phát triển của kinh tế Việt Nam năm 2012 và tiếp theo. Công tác quản lý thu NSNN, nhất là chống thất thu qua chuyển giá được tăng cường một bước. Công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho nguời dân được đẩy mạnh và đa dạng hoá về hình thức. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc kê khai nộp thuế và thực hiện khai thuế và hải quan điện tử đuợc tăng cường. Công tác kiểm tra, thanh tra thuế được đẩy mạnh…Năm 2012 cũng là năm vất vả của hệ thống KBNN. Qua công tác giám sát và kiểm soát chi, cơ quan KBNN đã phát hiện trên 46.300 khoản chi của 21.200 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; xử lý tạm dừng chưa thanh toán trên 606 tỷ đồng...
Thành công và dấu ấn tích cực trong năm 2012 là kinh nghiệm quý và niềm khích lệ để trong thời gian tới, tài chính Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển mới, trong đó tập trung vào các mục tiêu quan trọng như: Tiếp tục cơ cấu lại NSNN, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tinh hình mới. Trước mắt, tập trung hoàn thành nhiệm vụ năm 2013 đã được Quốc hội xác định là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; phấn đấu GDP tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi NSNN không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, 4% đối với các huyện nghèo. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%…
Khép lại hành trình đầy thử thách của năm 2012, bước vào năm 2013 – năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, chúng ta giữ vững tâm thế và niềm tin kiên định vào con đường phát triển của kinh tế đất nước. Thực tế đã chứng minh, đất nước ta đã từng phải đối mặt và đã vượt qua những thời điểm gian nan nhất. Bởi vậy trong hành trình đổi mới và hội nhập, những khó khăn như của năm 2012, Việt Nam tự tin sẽ vượt qua. Vấn đề then chốt là với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI soi đường, các cơ quan điều hành chính sách cần tổ chức thực hiện đưa đường lối, tinh thần của Nghị quyết vào cuộc sống bằng những quyết sách mạnh mẽ và đúng đắn, hiệu quả. Và với mỗi người dân, niềm tin sẽ là món quà xuân ý nghĩa để chúng ta đạt được những dự định đề ra, hoà niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân vào thành công chung của đất nước, dân tộc.
Mùa xuân mới đang về. Có một sức vóc mới diệu kỳ như sức sống của mùa xuân... Hòa với tiết xuân tươi, Sức Xuân Tài chính Việt Nam đang căng đầy nhựa sống. Chúng ta cùng chúc cho sức xuân Tài chính Tài chính Việt Nam ngày càng vững bền và phát triển.
(Theo TCTC)