Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III,
tháng 9-1960 - Ảnh tư liệu
Trong suốt cả cuộc đời của mình, Bác Hồ là người đã đưa đường chỉ lối cho con thuyền cách mạng dân tộc Việt Nam cập bến bờ vinh quang, đồng thời Bác cũng là người tiên phong cho cuộc cách mạng về giải phóng phụ nữ. Người luôn tìm con đường đưa thân phận người phụ nữ Việt Nam từ cảnh lầm than, khổ cực và bị khinh miệt trở thành người công dân có đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ, vai trò xã hội ngang hàng với nam giới. Bác Hồ cho rằng : “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số dân, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.
Trong Bản án chế độ thực dân, Người đã thẳng thắn và mạnh mẽ lên án bọn thống trị “Đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ…”Rồi sau này khi đã trở thành lãnh tụ của cả dân tộc Người vẫn luôn hướng tình cảm của mình về tầng lớp phụ nữ. Năm 1952, nhân kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ, Người đã gửi thư ngợi khen: “Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Và trên thực tế, đã không ít tài liệu ghi lại những mẩu chuyện của Bác Hồ với phụ nữ đầy xúc động và chân tình.
Một lần, tới một hội nghị, nhìn suốt dọc hội trường Bác hỏi : “Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu?”. Rồi Bác lại hỏi tiếp : “Các cô gái có đấy không?” “Có ạ”. “Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy”.
Một câu chuyện kể rằng vào tháng 1-1963, trong phiên họp của Bộ Chính trị để bàn về những vấn đề quan trọng của cách mạng, Người đã đọc một bức thư của một phụ nữ trong cuộc họp này, đó là bức thư một nữ cán bộ cách mạng ở Vĩnh Phúc bị chồng đối xử đánh đập tàn tệ mà không được chính quyền đoàn thể can thiệp, cán bộ Đảng viên thì lẫn tránh. Bác xem đó là tội ác, là tàn dư còn lại tồi tệ nhất của chế độ cũ và yêu cầu cuộc họp ưu tiên giải quyết trường hợp này trước.
Bác Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại rằng : “Vào tháng 5-1968, Bác Hồ đọc lại bản Di chúc và thấy cần phải viết thêm mấy điểm về phụ nữ” . Thế rồi, trong bản Di chúc Bác viết : “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ. Đó là những lời chân tình, chứa chan tình cảm và cũng là sự nhắc nhở, huấn thị của Bác với phụ nữ trước khi đi xa.
Người hiểu và thông cảm sâu sắc với người phụ nữ làm bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình, người lao động của xã hội. Trong cuộc sống gia đình, người phụ nữ phải lo bộn bề công việc “không tên” nhưng chính nó lại tạo nên của cải tinh thần vô cùng to lớn, đó là không khí gia đình, là tổ ấm của mỗi người Việt Nam.
Sự quan tâm của Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam thật nhân ái bao la. Đối với Bác, tầng lớp phụ nữ luôn có vị trí quan trọng trong cuộc cách mạng chung của dân tộc và hoàn toàn có thể tự hào mà ngẩng cao đầu trước các đấng mày râu. Và quả thật vậy, nhìn lại những chặng đường đã đi qua, những anh hùng lao động, những chiến sỹ thi đua, những tấm huân chương, những giải thưởng khoa học là bằng chứng ghi nhận công lao đóng góp của chị em phụ nữ, dấu ấn ghi đậm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Chị em phụ nữ hôm qua, hôm nay và ngày mai sẽ viết tiếp những truyền thống hào hùng đó, sẽ làm rạng danh dân tộc Việt Nam để thỏa ước nguyện của Người trước lúc đi xa.
(Sưu tầm)