SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
9
0
7
2
7
7
Tin tức sự kiện 03 Tháng Ba 2022 9:25:00 SA

Bác Hồ với công tác thanh tra, kiểm tra

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, về mẫu mực của lối sống với đức tính “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Người luôn quan tâm tới việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh bài trừ mọi thói hư tật xấu, chống tệ quan liêu, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, xa rời quần chúng. Những điều này phần nào lý giải tại sao Người luôn dành những sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh tra, kiểm tra.

 

 
 

Một câu nói của Bác mà chúng ta ai cũng nhớ, đó là “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, cũng như lời Bác dặn “Phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây là quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc, không chỉ nói lên tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra mà còn cho chúng ta thấy được tính tổ chức, kỷ luật trong bộ máy quản lý; trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, trách nhiệm của cấp trên, cấp dưới đối với công tác thanh tra.

Bác nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm tra: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”.

Theo Người, công tác lãnh đạo, điều hành mà thiếu sự kiểm tra, thanh tra thì sẽ dẫn đến bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí và chỉ có tăng cường thanh tra, kiểm tra thì mới chống được các tệ nạn này. Người nói “muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các Nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát”.

Cùng với việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra còn đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu không để các vi phạm xảy ra. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dù được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào, cũng luôn có tác dụng phòng ngừa, răn đe, cảnh báo những hành vi vi phạm của các đối tượng quản lý.

Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời, nếu không tất yếu sẽ dẫn tới bệnh quan liêu, mệnh lệnh và từ đó sẽ mang đến những tác hại to lớn. Đồng thời, theo Bác: công tác thanh tra, kiểm tra phải cụ thể, phải đi đến tận nơi, xem tận chỗ, tránh quan liêu, cưỡi ngựa xem hoa. Người nói: “Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó. Quan liêu sẽ không làm được nhiệm vụ”.

Bên cạnh đó, Bác cũng rất quan tâm đến cán bộ làm công tác thanh tra. Bác đã chỉ rõ “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì soi không được”. Bác căn dặn: “cán bộ thanh tra cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng trong sáng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt thì đó mới là tiền đồ vẻ vang, là xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và Chính phủ”.

Mặt khác, Bác cũng căn dặn công tác thanh tra, kiểm tra phải khách quan, những thông tin mà thanh tra cung cấp cho cơ quan cấp trên, cho người lãnh đạo phải chính xác, trung thực, do đó đòi hỏi người cán bộ thanh tra phải cẩn thận, xem xét một cách tỷ mỷ, thấu đáo và đánh giá một cách khách quan, không áp đặt, Bác nói: “Thái độ của người cán bộ thanh tra là kiểm tra phải cẩn thận. Nghe không được thiên lệch, nghe một bên, nên nghe người này, nghe người kia. Phải khách quan. Chớ do ý muốn và suy đoán chủ quan của mình”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực của người lãnh đạo luôn quan tâm đến các kết luận, kiến nghị từ công tác thanh tra, kiểm tra. Giữa năm 1950, ngay sau khi nghe báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra Chính phủ về những sai phạm nghiêm trọng tại các tỉnh Liên khu IV, Người đã chỉ đạo Chính phủ xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm, đồng thời viết thư nhận lỗi với đồng bào. Trong thư Người còn nêu ra các biện pháp sửa chữa, ngăn ngừa những hiện tượng sai phạm, trong đó có đoạn viết: “Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc, kiểm tra công việc của cán bộ cấp dưới, nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ”.


Số lượt người xem: 2869    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm