1. Thành lập Thanh tra sở
Theo Điều 17 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP: Thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra bao gồm: Thanh tra Sở Công Thương; Thanh tra Sở Giao thông vận tải; Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thanh tra Sở Nội vụ; Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra Sở Tài chính; Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông; Thanh tra Sở Tư pháp; Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch; Thanh tra Sở Xây dựng; Thanh tra Sở Y tế. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương và biên chế được giao. Trường hợp Thanh tra sở được luật quy định thì thực hiện theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở
Điều 18 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở, Chánh Thanh tra sở và tổ chức, hoạt động của Thanh tra sở được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc thành lập Thanh tra sở phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí như thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Tại những Sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc Sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra sở có con dấu riêng.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2024 và bãi bỏ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành./.