Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 6 tháng cuối năm 2016, quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ,giải pháp đã được đề ra tại Chỉ thị 22/CT-TTg, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan phối hợp với các cơ quan có liên quan của địa phương tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31 tháng 12 năm 2016 không quá 5% so với số thực thu NSNN năm 2016; đồng thời, đề ra các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2016 được cấp có thẩm quyền giao và tăng tối thiểu 14-16% so với thực hiện thu năm 2015.
2. Chỉ đạo cơ quan tài chính tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố quản lý chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao; rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian theo quy định của từng cấp chính quyền địa phương các cấp.
Dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đến ngày 30 tháng 6 năm 2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật và trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh,…và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán, các địa phương trước mắt tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách địa phương giảm lớn.
Trong quá trình thực hiện, nếu xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán giao (như: mua sắm ô tô công, tài sản có giá trị lớn chưa thực sự cấp thiết,…) đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là chế độ, chính sách cho con người; trường hợp khó khăn phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý. Trường hợp thực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương và địa phương đã sử dụng hết 50% dự phòng ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác (kết dư, quỹ dự trữ tài chính…), các địa phương có báo cáo gửi Bộ Tài chính để xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương theo quy định để xử lý cân đối ngân sách địa phương.
Đối với số thu tiền sử dụng đất và các nguồn thu khác gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, trong điều hành cần căn cứ dự toán đã được giao và tiến độ thực hiện thu thực tế; trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán, đồng thời ngân sách địa phương cũng bị giảm thu tổng thể, không thể bù đắp từ các khoản tăng thu khác thì phải chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu này.
Việc sử dụng nguồn 50% dự phòng ngân sách các cấp đã tạm giữ lại (nếu có): Đến hết quý III năm 2016, trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế - xã hội – ngân sách nhà nước và dự báo ngân sách địa phương cả năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định việc sử dụng nguồn 50% dự phòng ngân sách địa phương tạm giữ lại, đảm bảo cân đối ngân sách địa phương./.
TH