|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo Quy định tại Điểm B Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 161/2012/TT-BTC đối với những khoản chi thanh toán theo hợp đồng, mức tạm ứng theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng tối đa không vượt quá 30% dự toán bố trí cho khoản mua sắm đó.
Còn theo quy định mới tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2016/TT-BTC đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng từ 20 triệu đồng trở lên, mức tạm ứng theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của đơn vị sử dụng NSNN và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó; trừ trường hợp thanh toán hàng hóa nhập khẩu, thiết bị chuyên dùng do đơn vị sử dụng ngân sách phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài phải mở L/C tại ngân hàng và trong hợp đồng nhà cung cấp yêu cầu phải tạm ứng lớn hơn; hoặc các trường hợp đặc thù khác thì có hướng dẫn riêng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị hợp đồng dưới 20 triệu đồng thì mức tạm ứng theo tiến độ thực hiện và theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách.
Thông tư số 39/2016/TT-BTC cũng bổ sung thêm so với Thông tư số 161/2012/TT-BTC về quy định hồ sơ tạm ứng, thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư tại Khoản 7 Điều 1: đối với các dự án có tổng mức vốn từ 1 tỷ đồng trở lên, việc quản lý, kiểm soát tạm ứng, thanh toán vốn được thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN. Riêng đối với quyết định đầu tư và Báo cáo kinh tế kỹ thuật của các dự án thì không bắt buột phê duyệt trước 31/10 năm trước năm kế hoạch. Các dự án có tổng mức vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng (áp dụng đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng từ 20 triệu đồng trở lên), mức tạm ứng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết.
Bên cạnh đó, Thông tư mới quy định tại Khoản 3 Điều 1 cũng nêu rõ Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm: Quyết định chi theo chế độ, tiêu chuẩn và mức chi trong phạm vi dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao; chịu trách nhiệm về quyết định chi và tính chính xác của các nội dung chi trên bảng kê chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước; quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; đúng mục đích mua sắm, trang bị tài sản; đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả.
Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất và mức độ, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp có thẩm quyền về việc áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, quyết định lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.
TTr