|
Đại diện Chi bộ Đầu tư sửa chữa kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ Việt Nam đầu tiên kêu gọi “Thực hiện nam nữ bình quyền”, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ là một mục tiêu của cách mạng. Từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, đấu tranh bảo vệ cho những kiếp người cơ cực lầm than, trẻ em và phụ nữ ở các nước thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng, đã là một trong những mối quan tâm lớn của Bác, bởi theo người đó là lớp người khổ nhất trong những người khổ cực. Chính vì vậy, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bằng phổ thông đầu phiếu năm 1946, Bác đã rất vui sướng khi thấy “Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất”. Sau khi trở thành chủ tịch nước, Bác tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đề ra nhiệm vụ cho Đảng phải chăm lo giải phóng phụ nữ.
Đối với Bác, tầng lớp phụ nữ luôn có vị trí quan trọng trong cuộc cách mạng chung của dân tộc và hoàn toàn có thể tự hào mà ngẩng cao đầu trước các đấng mày râu. Những năm tháng ở tại đầu nguồn Pác Pó, trong diễn ca “Lịch sử nước ta”, Bác đã khẳng định:
“Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”
“Hai Bà Trưng có đại tài
Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian
Ra tay khôi phục giang san
Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta”
Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh”, Bác cũng từng viết: “Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi: “Ông Lê-nin nói: Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công…”
Bác đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi nhìn nhận họ là một lực lương lao động của xã hội, làm việc không thua kém nam giới, có thể đảm nhận và hoàn thành tốt những công việc lớn của cách mạng, của nhân dân. Bác đã chỉ ra rằng “Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiện nay, trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít, Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng”. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của phụ nữ, Người yêu cầu: “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng phụ nữ mà tự mình phải tự cường đấu tranh, phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường tự lập”. có lần, tới một Hội nghị, nhìn suốt dọc Hội trường Bác hỏi: “Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu?” Rồi Bác lại hỏi tiếp: “Các cô gái có đấy không?” “Có ạ”. “Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy”. Đó là lời dặn mà cũng là mong muốn của Bác.
Cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác không có gia đình riêng, nhưng Người hiểu và thông cảm sâu sắc với người phụ nữ làm bổ phận người vợ, người mẹ trong gia đình, người lao động của xã hội. Bác thường nhắc: Lực lượng phụ nữ không nhỏ, có khi còn đông hơn nam giới, nhưng ở Việt Nam nói riêng và Châu Á, Châu Phi nói chung, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ rõ rệt do ý thực hệ phong kiến đã đè nặng lên tư tưởng phụ nữ từ bao đời nay. Vì thế, mọi đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ bao giờ cũng phải chú ý đến phụ nữ.
Phụ nữ Việt Nam thật sự xúc động và tri ân Người khi biết rằng, vào những năm tháng cuối đời, Bác đã để lại bản Di chúc quý giá, trong đó có những dòng viết riêng cho phụ nữ Việt Nam. “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Đó là những lời chân tình, chứa chan tình cảm và cũng là sự nhắc nhở, huấn thị của Bác với phụ nữ trước khi đi xa.
Như vậy, từ thân phận người nô lệ, phụ nữ đã vùng lên làm cách mạng, tham gia vào cuộc đấu tranh chung, trở thành người chủ thực sự, có quyền lợi, có trình độ văn hóa và địa vị xã hội. Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, những anh hùng lao động, những chiến sỹ thi đua, những tấm huân chương, những giải thưởng khoa học là bằng chứng ghi nhận công lao đóng góp của chị em phụ nữ, dấu ấn ghi đậm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Phụ nữ Việt Nam hôm qua, hôm nay và ngày mai sẽ viết tiếp những truyền thống hào hùng đó, sẽ làm rạng danh dân tộc Việt Nam để thỏa ước nguyện của Người trước lúc đi xa và để xứng với 8 chữ vàng Anh Hùng – Bất Khuất – Trung Hậu – Đảm Đang mà Bác đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước tặng phụ nữ Miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung và lời khen ngợi: “Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rở”.
Chi bộ ĐTSC