|
Đại diện Chi bộ Ban Vật giá kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh |
Bác dạy: "Phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên". Người cho đây là cách tốt nhất để củng cố mối liên hệ giữa các tổ chức thanh niên với đông đảo quần chúng. Vì vậy, Người căn dặn: "Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực". Đây chính là tiền đề, là một trong những điều kiện hết sức quan trọng để định ra chiến lược, đường lối, giải pháp giáo dục bồi dưỡng và tổ chức thanh niên thành lực lượng chính trị hùng hậu kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của Đảng và dân tộc.
Chăm lo cho thế hệ thanh niên là một trong những vấn đề mà Bác Hồ rất quan tâm, bởi lẽ thanh niên là thế hệ trẻ, năng động và là thế hệ kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc. Người luôn nhìn nhận, đánh giá khả năng cách mạng to lớn của thanh niên Bác đã từng nói: "... Với một thế hệ thanh niên hăng hái, kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong nhiệm vụ bảo vệ và thống nhất Tổ quốc, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc, vẻ vang" .
Cả cuộc đời Bác, đối với non sông đất nước, đối với đồng bào, Bác xem đó là ruột thịt của mình, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, Bác luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm thương yêu sâu sắc. Trong “Thư gửi các bạn thanh niên” ngày 12/8/1947, Bác viết: “… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.
Trong “Di chúc” của mình, Bác cũng dành những lời lẽ tâm huyết nói về thanh niên: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc điều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đào tạo cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Để trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên”, Bác dạy: “Mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau đây:
- Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước.
- Các việc đáng làm, thì khó mấy cũng phải quyết tâm làm cho kỳ được.
- Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.
- Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.
- Quyết tâm làm gương về mọi mặt, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.
- Chớ kiêu ngạo, tự cao, tự mãn, nên nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết. Như thế thì ai cũng sẽ yêu mến, kính phục thanh niên…”.
Về phong trào thanh niên, Bác lưu ý “cần phải liên tục và có nội dung thiết thực”, không nên hình thức, “chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được”, mà phải “nói được, làm được”. Bác quan niệm “một chương trình nhỏ mà thực hiện được còn hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”. Bác luôn động viên thanh niên: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng… Bác tin rằng thanh niên ta sẽ hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất vẻ vang của đạo quân xung phong tất thắng trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.