Tài khoản của các đơn vị, tổ chức, cá nhân được mở tại KBNN là kết hợp các phân đoạn trong kế toán đồ (COA), bao gồm mã tài khoản kế toán được kết hợp với các đoạn mã khác do Bộ Tài chính quy định trong Chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS); trong đó, mã đơn vị có quan hệ với ngân sách (ĐVQHNS) là mã bắt buộc dùng để phân biệt tài khoản của từng đơn vị, tổ chức khác nhau.
Tuỳ theo yêu cầu quản lý và nội dung sử dụng kinh phí, các đơn vị, tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại KBNN theo 03 loại là: Tài khoản dự toán; Tài khoản tiền gửi và Tài khoản có tính chất tiền gửi
Mỗi đơn vị có quan hệ với ngân sách được cơ quan tài chính cấp 01 mã ĐVQHNS duy nhất và được sử dụng trong suốt quá trình hoạt động, từ khi thành lập cho đến khi chấm dứt hoạt động. Mã ĐVQHNS đã được cấp sẽ không được sử dụng lại để cấp cho đơn vị có quan hệ với ngân sách khác. Đối với các Chủ đầu tư, ngoài mã ĐVQHNS của Chủ đầu tư, từng dự án đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được cấp mã dự án.
Cũng theo Thông tư này, đối tượng các đơn vị, tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại KBNN, gồm: Các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức được ngân sách hỗ trợ; Các tổ chức ngân sách; Các chủ đầu tư có dự án đầu tư xây dựng cơ bản; Các đơn vị được hỗ trợ ngân sách để chi đầu tư xây dựng cơ bản; Các đơn vị, tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thu các khoản phí, lệ phí, thu xử phạt hành chính, tịch thu theo quy định…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2011, áp dụng cho các đơn vị KBNN đã triển khai TABMIS và thay thế Quyết định số 30/2005/QĐ-BTC ngày 26/05/2005 của Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc nhà nước.
Được biết, Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS viết tắt từ tiếng Anh “Treasury And Budget Management Information System”) là 01 trong 03 cấu phần và là cấu phần quan trọng nhất của Dự án “Cải cách Quản lý Tài chính công”.
Theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/04/2003, TABMIS có 04 mục tiêu chính là: Hiện đại hoá công tác quản lý ngân sách nhà nước từ khâu lập kế hoạch, thực hiện ngân sách, báo cáo ngân sách và tăng cường trách nhiệm ngân sách của Bộ Tài chính; Nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công; Hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng ngân sách; Đảm bảo an ninh tài chính trong quá trình phát triển và hội nhập của quốc gia.
(Theo Website Bộ Tài chính)