SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
9
4
7
6
2
7
Tin tức sự kiện 01 Tháng Mười Một 2018 3:35:00 CH

Học và làm theo tư tưởng “trọng dụng hiền tài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp".
 

 

Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Người xác định, việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải để họ hiểu rõ mọi mặt các công việc mà họ phụ trách. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng. Người cho rằng, vì “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”. Quan điểm này là sự nối tiếp và phát triển tư tưởng cầu hiền tài của ông cha trong điều kiện mới. 
Người yêu cầu lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết trọng dụng nhân tài. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Người cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Bởi vậy, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước. Người chủ trương phải “tìm người tài đức”, bởi, một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết nước nhà mà khuyết điểm đó trước hết là của những người lãnh đạo Đảng và Chính phủ và chính Người cũng tự phê bình và nhận khuyết điểm đó. Vì vậy, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội nhưng họ đều là những trí thức có tâm huyết xây dựng nước Việt Nam mới. Tháng 1 - 1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thành công, lập ra Quốc hội dân chủ nhân dân đầu tiên. Điều đặc biệt, thành viên Chính phủ rất đa dạng, thuộc các tầng lớp khác nhau, trí thức Hán học có các nhân sĩ, như: cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn,…, trí thức Tây học có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai... Họ đều chung một ý chí, đó là đoàn kết dân tộc chung tay góp sức xây dựng chế độ mới, bảo vệ độc lập dân tộc.  
Trên cương vị là Chủ tịch nước, vấn đề chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện các thế hệ cách mạng luôn được Người coi trọng và quan tâm hàng đầu. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Quan điểm, tư tưởng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác cán bộ của Đảng ta. Đảng và Nhà nước không chỉ coi thu hút và sử dụng nhân tài là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, bởi nhân tài - cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn coi trọng nhân tài, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài "đúng người, đúng việc, đúng vị trí" nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng hiền tài là vấn đề vừa cần thiết, vừa cấp bách. Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao... Thu hút chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia giỏi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia giảng dạy, phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam”;. Đại hội XI tiếp tục chỉ đạo: “Muốn tạo nên một tập thể vững mạnh, phải xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”, “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”. Văn kiện XII của Đảng nhấn mạnh: để có cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, bên cạnh việc đổi mới bầu cử trong Đảng, thay đổi phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cần có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài và “có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài. Điều này chứng tỏ, Đảng và Nhà nước ta kịp thời nhận thức đầy đủ về vai trò của người hiền tài và có cách thức sử dụng nhân tài hợp lý nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực sáng tạo của nhân dân vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. Bên cạnh đó, những sinh viên xuất sắc, cán bộ có năng lực... đều được Chính phủ trợ cấp chi phí sinh hoạt và học tập ở nước ngoài để phục vụ đất nước. Các trường học được đầu tư xây dựng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, tạo điều kiện cho trẻ em ở đó có cơ hội học tập, các chính sách miễn giảm học phí cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, quỹ học bổng dành cho em có thành tích cao trong học tập cũng được xây dựng và duy trì.
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt đang đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia, tạo thành chủ trương, cơ chế thống nhất để thu hút, trọng dụng, bồi dưỡng và phát triển hiền tài. Hiền tài sẽ là những người cống hiến, vạch đường đi để dân tộc ta tiếp tục giành những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này đòi hỏi, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về trọng dụng hiền tài nói riêng, thu hút, coi trọng nhân tài, bố trí, sử dụng cán bộ phải "đúng người, đúng việc, đúng vị trí", cần loại bỏ tư tưởng bổ nhiệm cán bộ theo hình thức thân - quen, "cục bộ địa phương", "một người làm quan cả họ được nhờ" để lựa chọn hiền tài "đúng", góp công - sức, tâm - trí vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước./.
 
>> Phần kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh của Chi bộ Thanh tra vào buổi chào cờ sáng thứ hai

 

 


Số lượt người xem: 2928    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm