SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
8
1
9
7
8
7
Tin tức sự kiện 12 Tháng Ba 2014 8:25:00 SA

Chuyến đi về nguồn tại Côn Đảo

Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần sáng thứ hai ngày 10/03/2014, Chi bộ Hành chính sự nghiệp đã kể câu chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề “Chuyến đi về nguồn tại Côn Đảo”.
 

 

Những ai đã từng một lần đặt chân đến Côn Đảo đều không sao quên được vẻ đẹp say mê lòng người, những cảnh sắc kỳ thú của biển trời, đồi núi, rừng cây, bờ biển mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Côn Đảo. Được xem là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ và tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, thị trấn mơ màng dưới bóng những cây bàng cổ thụ và những bờ tường rêu phong, Côn Đảo được ví như thiên đường nghỉ dưỡng.
Côn Đảo với cảnh quan hấp dẫn lòng người là vậy, nhưng chiến tranh xâm lược, sự đô hộ và áp bức của thực dân Pháp và các thế lực đế quốc xâm lược đã biến Côn Đảo thành địa ngục trần gian, nơi hệ thống nhà tù có quy mô lớn nhất và tàn khốc nhất Đông Nam Á. Với thời gian dài đô hộ của các thế lực thực dân, đế quốc, mười sáu hòn đảo giữa biển khơi xanh biếc cây cối đã phải đè nặng trên mình Nhà tù, tháp canh, trại lính… Thế nhưng từ trong bóng tối của ngục tù, những ngọn lửa của lòng yêu nước, của ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất, ngọn lửa của lý tưởng cộng sản vẫn bùng cháy mãnh liệt và trở thành chủ nghĩa anh hùng bất diệt.
Đến thăm lại những di tích của hệ thống nhà tù hôm nay, điểm dừng chân đầu tiên là Banh 1, sau này được chế độ Mỹ ngụy đổi tên thành trại Phú Hải. Banh 1 được xây dựng vào năm 1862, nằm ở ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo, có diện tích rộng hơn 12.000 m2, bao gồm 10 khám lớn, trong đó có 1 khám tử hình, 20 xà lim biệt giam bằng đá, 1 khám đặc biệt, 1 hầm xay lúa... Bước chân vào thăm bối khám phòng biệt giam, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào sự hà khắc đến nghiệt ngã của chế độ lao tù Côn Đảo, mỗi khám lớn như thế này chúng giam giữ, gông cùm hàng trăm con người…
Còn đây là những phòng xà lim biệt giam được xây nổi trên mặt đất, phòng đối lưng với nhau, mỗi phòng có chiều dài 2m, chiều rộng hơn 1m, chiều cao 2m, chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ ở phía trên. Đây là nơi giam giữ các tù nhân nguy hiểm cứng đầu, suốt ngày bị cùm chân nằm ngửa trên sàn đá. Khi đưa vào phòng biệt giam 3 ngày đầu tù nhân bị bỏ đói, sang ngày thứ tư mới được chúng cho ăn một nắm cơm đã mốc tạm gọi để duy trì sự sống. Có đợt quá đông tử tù đặc biệt loại này, chúng còn nhồi nhét 5 đến 7 người vào chung 1 phòng, tù nhân chỉ còn cách trần truồng thay nhau ngồi suốt ngày đêm cho đến khi thân tàn lực kiệt. Nhiều người đã trút hơi thở cuối cùng ngay trên nền xi măng lạnh cóng ngay trong bốn bức tường đá trầm mặc. Chưa dừng lại ở đó, bọn thực dân còn nghĩ ra hình thức tra tấn hành hạ những người tù từng bị nhốt biệt giam cấm cố nhưng vẫn không khuất phục được, đó làm hầm xây lúa khổ sai, bao gồm 1 bệ xi măng để nằm và 1 gian đặt cối xay lúa, mỗi hầm có 5 cối xay, mỗi cối xay phải 6 tù nhân gắng sức mới quay nổi. Tù nhân bị đày xuống hầm xay lúa bị xích thành từng cặp, quằn quại xay lúa từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Ai kiệt sức không thể gắng gượng được nữa thì bọn cai tù đánh đập bằng roi da bò cho đến chết.
Tiếp theo, trại Đại Phú Sơn được xây dựng từ năm 1916, có tổng mặt bằng hơn 13.000 m2, chủ yếu để giam cấm cố từ nhân chính trị, những tù nhân vượt ngục bị bắt trở lại và những tù nhân bị án tử hình sắp thi hành án. Tại đây đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, người chiến sĩ cộng sản xuất sắc, một người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã bị biệt giam và trút hơi thở cuối cùng trong xà lim số 5 vào ngày 06/09/1942.
Hệ thống chuồng cọp kiểu Mỹ hay còn gọi là trại Phú Bình được chế độ Mỹ ngụy xây dựng và hoàn thành vào năm 1971 bao gồm 120 phòng biệt giam, được mệnh danh là nhà tù trong nhà tù của Côn Đảo, với những kiểu giam giữ hành hạ như thời trung cổ. Đây là nơi Mỹ ngụy nhốt những chiến sĩ cộng sản, những đối tượng mà chúng cho là cứng đầu, cứng cổ và là phần tử nguy hiểm nhất. Gọi là chuồng cọp vì nhà tù được xây dựng với hàng song trần trên nóc, cai ngục sẽ đi dọc hành lang phía trên để kiểm soát, theo dõi người tù bị nhốt trong cũi phía dưới không khác gì thú vật. Trên hàng song sắt, các cai tù cằm sẵn những chiếc gậy dài sẵn sàng chọc xuống bất cứ tù nhân nào. Trên mỗi buồn giam chúng để 1 thùng nước và 1 thùng vôi bột, tù nhân nào khát chúng đổ ào nước xuống, khi có dấu hiệu phản đối chúng rắc vôi bột mịt mù vào mắt người trong chuồng cọp.
Nhà tù Côn Đảo là công cụ của chủ nghĩa thực dân đế quốc để đàn áp Cách mạng Việt Nam, khủng bố những người yêu nước nhưng đồng thời nhà tù Côn Đảo cũng là chiến trường đặc biệt, nơi diễn ra các cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, đấu tranh một mất một còn của thế hệ người Việt Nam yêu nước chống lại bọn cướp nước, khẳng định ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hàng loạt các cuộc nổi dậy phá ngục, cướp tàu, vượt ngục đã diễn ra dù sau đó bị đàn áp, khủng bố nhưng các sĩ phu, văn thân yêu nước vẫn một lòng một dạ kiên trung hướng trái tim về Tổ quốc và đất mẹ thân yêu. Tiêu biểu cho những tấm gương sáng trong bóng tối ngục tù Côn Đảo, phải kể đến các Cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cần… Từ những năm 1930, những người cộng sản bị đày ra Côn Đảo đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử đấu tranh của nhà tù Côn Đảo. Từ Hội cứu tế Banh 1 do đồng chí Tôn Đức Thắng lập ra trong quá trình đày đọa ở hầm xay lúa. Năm 1932, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Côn Đảo được thành lập ở Banh 1 do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư Chi bộ. Càng về sau tổ chức Đảng ngày càng phát triển lớn mạnh trở thành Đảng ủy và xây dựng thêm nhiều tổ chức Hội, nghiệp đoàn, giữ vững vai trò lãnh đạo, tổ chức và định hướng cho rất nhiều hoạt động đấu tranh ngay trong ngục tù. Điều quan trọng hơn là ngay trong việc đấu tranh thử thách đã tôi luyện cho Đảng một đội ngũ cán bộ giàu bản lĩnh kiên cường với lý tưởng cộng sản, dám hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Tiêu biểu nhất phải kế đến các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Linh… Trong cuộc đấu tranh anh dũng ở nhà tù Côn Đảo, nhiều đồng chí đã hy sinh, mãi mãi nằm lại trên hòn đảo anh hùng đó là các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Hới, Nguyễn Oanh, nhà yêu nước nổi tiếng Nguyễn An Ninh và đặc biệt là tấm gương hy sinh oanh liệt của Chị Võ Thị Sáu.
Đối với chúng tôi khi đến đây, cảm nhận chung của mọi người trong Đoàn đều bồi hồi xúc động trước những mất mát, hy sinh lớn lao vượt sức tưởng tượng và chịu đựng của con người. Mỗi hiện vật, mỗi ngôi mộ, xà lim, hầm tối… không chỉ là một số phận, một chứng tích tội ác của thực dân – đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh trong tù, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Chi bộ HCSN

Số lượt người xem: 3572    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm