SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
8
1
9
8
3
1
Tin tức sự kiện 05 Tháng Ba 2014 3:25:00 CH

Phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngôn ngữ tuyên truyền, giáo dục

Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần sáng thứ hai ngày 03/03/2014, Chi bộ NGân sách đã kể câu chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề “Phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngôn ngữ tuyên truyền, giáo dục”.
Đại diện Chi bộ Ngân sách kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

Phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua nhiều hình thức, cách thức, phương pháp, cấp độ khác nhau tùy theo từng đối tượng và hoàn cảnh tiếp xúc. Mục đích của Người là làm sao cho người nghe, người đọc dễ dàng hiểu được, nhớ được nội dung, ý tứ của người nói, người viết, người tuyên truyền để học tập và vận dụng, làm theo. Trong đó, Người chú trọng sử dụng tiếng nói đại chúng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, từ lý luận, chính trị, tư tưởng đến các nội dung thường thức của đời sống hàng ngày.
Trong trình bày nội dung những vấn đề chính trị, lý luận, Hồ Chí Minh thường dùng những hình tượng, ngôn ngữ đặc sắc có sức khái quát lớn nhưng lại rất cụ thể mà Người đã dùng trong các tác phẩm của mình. Để mô tả bản chất xâm lược, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa tư bản – thực dân, Hồ Chí Minh đã dùng hình tượng “con đĩa hai vòi”. Người viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đĩa có cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra.”
Diễn đạt một vấn đề chính trị có tính kinh điển và có tầm khái quát sâu sắc, bằng những hình tượng cụ thể như vậy có thể giúp cho những người chưa có điều kiện nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hệ thống cũng có thể hiểu được những nội dung cơ bản, bản chất của lý luận cách mạng. Đó là cách truyền bá lý luận – chính trị vốn rất trừu tượng, phức tạp, khó hiểu đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nói chung có trình độ lý luận chính trị còn nhiều mặt hạn chế.
Để nói về vai trò quyết định của sự lãnh đạo, của quần chúng và mối quan hệ khắng khít giữa hai thực thể đó, Hồ Chí Minh viết: “Việc gì cũng phải có lãnh đạo mới thành công”, “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được.” Những quan điểm tư tưởng cơ bản như vậy được Hồ Chí Minh đúc kết rất sớm. Ngày nay, đối chiếu với việc tuyên truyền, giáo dục, tập hợp quần chúng càng cho thấy tầm nhìn của Hồ Chí Minh về vai trò quyết định của sự lãnh đạo và của quần chúng.
Về cách dùng ngôn từ và diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Đường Cách mệnh, một số câu của Mác và Lenin được Người dịch: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào”, “Ông Lenin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”… Đây có thể coi là những câu mẫu của việc dùng ngôn từ đại chúng, dân dã để diễn đạt những tư tưởng, lý luận kinh điển.
Từ sự thấm nhuần sâu sắc lý luận Mác – Lenin và thực tiễn cách mạng hết sức phong phú, Hồ Chí Minh đúc kết, chỉ giáo cách thức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng bằng chính ngôn ngữ, phong cách của họ. Người chỉ rõ: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng phải học cách nói của quần chúng, mới lọt tai quần chúng”, “Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu”. Cho dù ngày nay trình độ chung và vốn ngôn ngữ của dân chúng đã được nâng cao hơn trước rất nhiều, nhưng những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục, tuyên truyền, xuất bản vẫn còn nguyên giá trị.
Khi còn hoạt động ở nước ngoài, tháng 4/1925, Bác nhận được một bức thư góp ý của tác Thương Huyền, đề nghị Người góp ý cho hai tập sách về đề tài cách mệnh của ông. Nguyễn Ái Quốc đã trả lời và nêu ra những chuẩn mực rất cơ bản để đánh giá, nhận xét một tác phẩm. Người nêu rõ: “Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới được xem như là một tác phẩm hai và biên soạn tốt.”. Người thẳng thắn góp ý: “Ông đã giải thích một thành ngữ tiếng Trung Quốc bằng một thành ngữ tiếng Pháp cho những người không biết tiếng Trung Quốc cũng không biết tiếng Pháp.”
Hồ Chí Minh thường chú trọng khai thác vốn văn hóa dân tộc, dân gian. Một nét đặc sắc trong phương pháp diễn đạt mang đậm phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh là dùng những câu chữ, cách nói, cách viết rất phổ biến trong dân gian.
Đó là lối đối đáp (hỏi – đáp), là cách dùng tài liệu, diễn đạt ngắn gọn bằng những cuốn sách nhỏ bỏ túi, viết súc tích, bằng biểu tượng, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, châm ngôn… ví dụ: phong trào thi đua “hai tốt”, “ba đảm đang”, “ba sẵn sàng”…Để kêu gọi mọi người hợp tác, đoàn kết làm ăn, Bác nói “nhóm lại thàng giàu, chia nhau thành khó”.
Để ngăn chặn và khắc phục các bệnh quan liêu, chủ quan, duy ý chí, áp đặt, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, Hồ chí Minh cũng mượn những thành ngữ, ngạn ngữ, tục ngữ, ca dao trong dân gian để phê phán, đấu tranh với các bệnh đó. Người yêu cầu các cấp lãnh đạo và người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì dân vì nước, chống thói “cường hào mới”, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Mọi việc, mọi phong cách đã “phát” thì phải “động”, chớ có “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”, “nói không đi đôi với làm”. Việc gì cũng phải có người chịu trách nhiệm, chớ để “lắm sải không ai đóng cửa chùa”. Cấp lãnh đạo, người đứng đầu phải tự giác, chủ động trong công việc, chớ để “nước đến chân mới nhảy”… Lãnh đạo thì phải sâu sát, tường tận, trên cơ sở khảo sát tình hình, nghiên cứu thực tế cho thấu đáo mới ra quyết định; chớ đi thực tế, khảo sát theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”… Thiếu phong cách chu đáo, cụ thể, thiết thực thì chẳng những công việc, phong trào không đạt được kết quả mà tâm trạng, lòng tin của quần chúng sẽ bị phân tâm, sụt giảm.
Phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh còn đi sâu, bám sát, phù hợp với tâm lý, trình độ của từng loại đối tượng, từng thành phần dân cư, như với công nhân, nông dân, trí thức, quân nhân, văn nghệ sĩ, đồng bào dân tộc thiểu số, người có đạo… Bác luôn có cách tuyên truyền, động viên, kêu gọi thích hợp.
Nói với đồng bào có đạo, Hồ Chí Minh thường sử dụng những cách thức, ngôn từ sát với tâm tư, lòng mong ước vá ý nguyện của đồng bào. Trong Thư gửi Hội nghị đại biểu Hội phật giáo Thống Nhất Việt Nam (10/1964),Người viết: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” (tức là đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người).
Đối với đồng bào theo đạo Thiên chúa, trong nhiều dịp lễ Giáng sinh, Hồ chí Minh đã gửi thư chúc mừng và kêu gọi mọi người đoàn kết, góp sức cùng toàn dân đưa kháng chiến đến thắng lợi với một lòng tin tưởng tuyệt đối, Bác bảo, đó là cách thiết thực để đồng bào “làm sáng danh Đức Chúa”. Có lần, Bác nhắc lại một câu trng Kinh thánh “Ý dân là ý Chúa”. Làm theo đúng lòng dân, là thuận theo ý Chúa và nhất định thành công.
Với tấm lòng sâu nặng, chân tình, vì dân, vì nước, lại bằng lối nói, cách viết, ngôn ngữ của quần chúng đông đảo, mỗi câu nói, mỗi dòng thư của Hồ Chí Minh đã đi sâu, lay động tâm can của đồng bào,chiến sĩ, khiến ai ai cũng một lòng kính trọng, khắc sâu và nỗ lực thực hành, nhờ đó mà kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.
Có được phong cách quần chúng và lối diễn đạt vừa sâu sắc, chuẩn xác lại vừa phổ thông, dân dã ấy là nhờ Hồ Chí Minh đã thấu hiểu tâm tư, ước vọng sâu xa, cơ bản của các giới đồng bào; nhờ quá trình không ngừng tu dưỡng, học tập, khổ luyện trong trường đời và trong phong trào cách mạng và nhờ thấm sâu cốt cách văn hóa dân tộc cũng như nắm chắc xu hướng vận động của thời đại văn minh trí tuệ. Đó cũng là bài học lớn cho những ai suốt đời muốn học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân như Bác nhiều lần căn dặn.
Chi bộ Ngân sách

Số lượt người xem: 5452    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm