|
Đại diện Chi bộ Thanh tra kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh |
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, sau khi phân tích “mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa chữa cách làm việc tốt hơn, đúng hơn, cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguyên nhân yếu kém, thiếu đoàn kết là do chủ quan và hẹp hòi, một trong những nguồn gốc của căn bệnh ấy là không thấy hết vai trò của quần chúng nhân dân. Người phê phán: Họ quên rằng: So với nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một đảng viên; nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Người nhắc nhở: Ta phải liên hệ mật thiết với dân chúng, không được xa rời dân chúng, rời xa dân chúng là cô độc, cô độc thì nhất định thất bại. Người căn dặn: Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt, lúc họ đã hiểu thì việc gì, khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên.
Để giúp cho toàn thể cán bộ, đảng viên hiểu và làm được điều đó, tháng 10-1949, Người viết bài báo “Dân vận” nêu rõ: “Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Người chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân” mà “lực lượng toàn dân là sức mạnh vô địch”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra cho mọi cán bộ và công tác dân vận là: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Lời dạy của Người rất dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng rất sâu sắc, chí lý, chí tình. Điều đó có nghĩa là muốn làm công tác dân vận tốt phải có đường lối, nghị quyết, phải xác định đúng đắn mục đích chính trị, có phương châm và phương pháp phù hợp.
Bài báo viết: "Vấn đề Dân vận" nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại. Nước ta là nước dân chủ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Bài báo của Bác đã chỉ rõ bản chất, nhiệm vụ, phương hướng công tác dân vận (CTDV) và trách nhiệm, tác phong của toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức đối với công tác vận động nhân dân. CTDV là một công tác chiến lược, phải tiến hành thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, trên mọi địa bàn, đối với mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc.