Với tư duy chiến lược sắc sảo, nhạy bén, Bác Hồ đã giải quyết thành công vấn đề giải phóng dân tộc. Trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, nhất là nguy cơ chiến tranh thế giới thứ hai đến gần, Bác Hồ đã đề nghị Quốc tế cộng sản để Người về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Tháng 2-1941, sau 30 năm bôn ba nơi xứ người, Bác Hồ về Cao Bằng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Bác triệu tập và chủ trì hội nghị Trung ương 8 (khóa I) của Đảng từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941. Tại hội nghị Bác phân tích, nhận định sáng suốt tình hình quốc tế và trong nước, đề ra nhiều chủ trương quan trọng, nổi lên bao trùm xuyên suốt là giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ chống đế quốc, tay sai, giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu ruộng đất. Đó chính là sự phát triển hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng do các hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11-1939) và lần thứ 7 (tháng 11-1940) của Đảng đề ra.
Chủ trương đó đã thể hiện tư duy chiến lược, nhãn quan chính trị nhạy bén của Bác, đồng thời phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là thoát khỏi ách áp bức "một cổ hai tròng" của đế quốc và phong kiến tay sai. Nghị quyết đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của toàn dân tộc chống lại bè lũ cướp nước và bọn tay sai bán nước.
Bác đã chủ động xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu đủ sức tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Cùng với việc mở các lớp huấn luyện chính trị và quân sự cho nhiều cán bộ cách mạng, Bác đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp yêu nước trong xã hội. Đâu đâu cũng phát triển mạnh mẽ các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh như: Nông dân cứu quốc, công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nhi đồng cứu quốc... Vai trò và sức mạnh to lớn của Mặt trận Việt Minh được phản ánh trong thực tiễn, có sức lôi cuốn hiệu triệu mạnh mẽ quần chúng đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do.
Cuối năm 1941 Bác cho xây dựng thí điểm đội vũ trang ở Cao Bằng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đội làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị, quân sự cho các đội tự vệ, du kích ở địa phương, làm liên lạc nối căn cứ của Đảng với miền xuôi.
Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, ngày 22-12-1944, thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, đội tuyên truyền giải phóng quân được thành lập với nhiệm vụ là hoạt động vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị với quân sự, nhưng chính trị hơn quân sự. Ngay sau khi thành lập, đội đã gây được tiếng vang lớn, nhờ chiến công xuất sắc, tiêu diệt gọn hai đồn giặc ở Phay Khắt và Nà Ngần. Nhằm đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi nghĩa giữa tháng 4-1945, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng triệu tập hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu, thống nhất sáp nhập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng cách mạng chính trị và lực lượng vũ trang không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi nhanh chóng.
Chiến tranh thế giới chuyển biến nhanh chóng Bác phát hiện ra mâu thuẫn giữa Mỹ-Anh-Pháp về thuộc địa nói chung, về Đông Dương nói riêng. Bác gặp đại diện Mỹ ở Côn Minh bàn phương thức hợp tác Việt Minh - Mỹ. Thực hiện kế hoạch hợp tác đó, Mỹ đã giúp Việt Minh một số súng đạn, thuốc men, nhân viên điện đài và một số quân tình nguyện Mỹ huấn luyện cho lực lượng vũ trang Việt Minh, cách sử dụng các loại vũ khí, điện đài và kỹ thuật, chiến thuật trận địa. Ngược lại, Việt Minh đã cung cấp cho Mỹ những thông tin quan trọng về hoạt động của Nhật, đã cứu và giúp đỡ nhiều phi công Mỹ rơi trên đất ta. Bác Hồ quan hệ với Quốc dân đảng Trung Hoa và Mỹ là những quyết định sáng suốt, nhằm vừa tranh thủ họ, vừa hạn chế họ, thêm bạn, bớt thù cho cách mạng Việt Nam; đồng thời cho họ thấy rõ cuộc đấu tranh của dân tộc ta là cuộc đấu tranh của lực lượng dân chủ trong mặt trận đồng minh chống phát xít mà họ cần quan hệ. Đây là minh chứng điển hình cho quan điểm của Bác Hồ về đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do.
Với tầm cao trí tuệ, tuyệt vời và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú Bác và Đảng ta đã nắm chắc thời cơ cách mạng, kịp thời đề ra chủ trương, kế hoạch Tổng khởi nghĩa, động viên sự đoàn kết nhất trí của toàn dân tộc, để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Tháng 8-1945, phát xít Đức đầu hàng đồng minh, ở Đông Dương quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, những điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, Bác đã khẳng định, lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu cũng phải giành cho được độc lập. Và "Cần phải tranh thủ từng giây, từng phút tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không để lỡ cơ hội". Nắm chắc thời cơ đó Bác và Trung ương Đảng đã chuẩn bị gấp và triệu tập hội nghị toàn quốc của Đảng và đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào. Tại đây, Người đã chủ trương phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Ngay sau đó, Bác Hồ đã gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy dùng sức ta mà giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!...".
Đáp ứng lời kêu gọi của Bác và Đảng ta, nhân dân ta triệu người như một tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Ngay sau khi thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám Bác Hồ đã soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, quyết định ngày ra mắt quốc dân và tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 02-9-1945, trước khi quân đồng minh vào nước ta giải giáp quân Nhật.
Chi bộ Công sản