“Bác sống như trời đất của ta.
Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa.
Tự do cho mỗi đời nô lệ.
Sữa để em thơ, lụa tặng già...”
Nếu như Lênin là niềm tự hào của Cách mạng nước Nga, Fidel Castro là vì sao sáng của nhân dân Cuba thì Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người anh hùng vĩ đại, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Với nhân cách siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, được hòa quyện và nâng cao thêm bởi tinh hoa văn hóa thế giới, Người đã trở thành một tấm gương lớn cho tất cả thế hệ con cháu mai sau suốt đời noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.Chính vì thế, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên cần phải gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bản thân Người cũng là tấm gương sáng về phong cách gần dân.
Sự gần gũi đó được thể hiện ngay từ phút đầu tiên Người ra mắt quốc dân trong Lễ Quốc Khánh đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1945. Khi vừa đọc một đoạn Tuyên ngôn Độc lập, Người đã dừng lại hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Chỉ là một câu hỏi thôi, một câu hỏi bình dị, tự nhiên mà thực sự đã làm xúc động trái tim hàng chục triệu đồng bào toàn quốc! Cả muôn triệu người nhưng chung một lời đáp: “Có! Như Trường Sơn say gió Biển Đông". Đó là một điển hình mẫu mực về mối quan hệ gần gũi, thân thiết hiếm có giữa lãnh tụ với quần chúng, ngay ở những giây phút lịch sử thiêng liêng, trang trọng nhất.
Cũng phong cách ấy, năm 1957, Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Cuộc mít tinh quần chúng đón Bác được tổ chức tại Sân vận động Thị xã Đồng Hới. Nói chuyện với đồng bào, Người nhắc nhở nhiều điều, trong đó có việc phải chú ý chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình đồng bào miền Nam tập kết,... rồi Người đọc chậm rãi câu ca dao:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Bác đọc đến đâu, đồng bào đọc theo đến đó. Một âm thanh hòa quyện vang lên thân thiết giữa lãnh tụ và quần chúng. Các thành viên Tổ cổ động của Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế đóng tại Đồng Hới đang có mặt tại cuộc mít tinh, đã hết sức ngạc nhiên. Họ nói với cán bộ ta: "Trong đời chúng tôi chưa bao giờ được thấy một thủ lĩnh quốc gia nào gần gũi, thân thiết với nhân dân như Bác Hồ của Việt Nam. Ở nước chúng tôi, Tổng thống cũng đọc diễn văn rất hay. Rất tiếc cái hay đó chỉ có một số ít người trong dân chúng hiểu. Còn ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn thì hàng vạn người đều hiểu được và đọc theo, như cha đọc cho con nghe, thầy đọc cho trò nghe..., thật là gần gũi và thân thiết!”.
Nhân dân từ già đến trẻ thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, mọi thế hệ đều gọi Hồ Chí Minh bằng hai tiếng: Bác Hồ. Bác đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Mọi nghi thức đối với Người đều trở thành không cần thiết. Yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước là suy nghĩ nhất quán, thường trực trong con người của Bác. Chính tư tưởng đạo đức của nhân cách bên trong con người Hồ Chí Minh đã thể hiện, bộc lộ ra bên ngoài bằng phong cách quần chúng ở Người.
Vì vậy, tất cả chúng ta đều có thể học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, mỗi một người sẽ trở thành mẫu mực tận trung với nước, tận hiếu với dân. Chúng ta học tập Bác ở đạo đức, lối sống, sự nhất quán từ lời nói đến hành động, suốt đời gắn bó máu thịt với dân và vì dân mà làm. Theo gương Bác, chúng ta cần thực hành dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong xã hội, tẩy trừ tệ quan liêu, tham nhũng để bảo vệ dân, không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của dân. Sẽ là thiết thực và có ý nghĩa biết bao nếu mỗi đảng viên chúng ta thường xuyên tự mình ôn lại và suy ngẫm về lời Bác dạy mỗi người cán bộ đảng viên phải luôn cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc. Bởi lẽ: “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo lời mình thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở làm thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”.
Chi bộ Ngân sách