SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
9
7
3
6
1
9
Tin tức sự kiện 08 Tháng Bảy 2016 1:45:00 CH

Hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên

Ngày 29/3/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 58/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Thông tư số 58/2016/TT-BTC đã quy định cụ thể một số nội dung để thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, bao gồm: Những quy định chung (phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, các hình thức lựa chọn nhà thầu, thu – chi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu), trách nhiệm thẩm định, phê duyệt trong lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện và nguyên tắc, quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Mẫu tài liệu đấu thầu và các nội dung khác không quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, ngày 05/7/2016, Bộ Tài chính có công văn số 9176/BTC-HCSN gửi các Bộ, cơ quan, địa phương để phổ biến một số nội dung thực hiện đấu thầu mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên đến các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, trong đó:

Thứ nhất, về lựa chọn nhà thầu thuộc trường hợp đặc biệt trong mua sắm thường xuyên:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1008/VPCP-KTN ngày 16/02/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 trong đó hướng dẫn việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đảm bảo hoạt động thường xuyên của các đơn vị theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đảm bảo hoạt động thường xuyên thuộc trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu (bao gồm cả gói thầu mua sắm có giá gói thầu không quá 20 triệu đồng khi mua sắm, các cơ quan, đơn vị không phải xây dựng và trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu) không thuộc phạm vi quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016: Đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi văn bản phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ theo công văn số 2536/BKHĐT-QLĐT ngày 04/4/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ hai, về một số nội dung quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016:

Đối với mua sắm dược liệu: Ngày 06/4/2016, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Dược số 105/2016/QH13 thay thế Luật Dược số 34/2005/QH11; ngày 11/5/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; trong đó, việc mua sắm dược liệu thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 11/2016/TT-BYT. Vì vậy, việc mua sắm dược liệu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 của Bộ Y tế.

Về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ: Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 quy định: “3. Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phân cấp; đồng thời được quyết định mua sắm các nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị không quá 100 triệu đồng trong phạm vi dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền giao.”

Theo quy định trên, trường hợp thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp đã được cơ quan có thẩm quyền phân cấp quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị trên 100 triệu đồng thì thực hiện theo phân cấp hiện hành. Trường hợp thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp chưa được cơ quan có thẩm quyền phân cấp cho phép quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ hoặc đã phân cấp nhưng mức phân cấp thấp hơn 100 triệu đồng thì thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp được quyết định mua sắm các nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị không quá 100 triệu theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016.

Về trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Theo quy định tại Điều 5, khoản 1 Điều 8 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016, trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên quy định như sau:

Đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

Đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương thì Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

Đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ mà thẩm quyền quyết định việc mua sắm đã được phân cấp theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được phân cấp quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch đấu thầu.

Về hạn mức thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dich vụ đảm bảo hoạt động thường xuyên: Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 quy định gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả gói thầu dịch vụ tư vấn trong mua sắm thường xuyên) có giá gói thầu không quá 100 triệu đồng thuộc trường hợp được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu và khoản 2 Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

HCSN (Theo Website Bộ Tài chính)

 


Số lượt người xem: 2463    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm