Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về gần dân, học dân, kính trọng phục vụ nhân dân, Bác nói: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn căn dặn cán bộ, đảng viên rằng: quần chúng nhân dân là người làm ra lịch sử, làm nên thành công của cách mạng, là người chủ đất nước. Do đó, mỗi đảng viên, cán bộ ở bất cứ cương vị nào, làm công việc gì đều phải “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Bác nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải yêu mến, tin tưởng vào khả năng và sức mạnh của nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng. Đồng thời, bản thân Người nêu cao tấm gương về lòng yêu mến và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của nhân dân. Bác nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững, cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân.
Theo Bác, sự gần gũi, sâu sát quần chúng của người cán bộ cách mạng là hết sức cần thiết. Nhờ đó mà cán bộ, đảng viên không mắc bệnh chủ quan, không quan liêu, đại khái, ham chuộng hình thức. Người nhiều lần nhấn mạnh: sâu sát quần chúng là biểu hiện quan trọng nhất của phương pháp làm việc xã hội chủ nghĩa, nó đối lập với lề lối làm việc quan liêu, hống hách, cửa quyền của bọn quan lại cai trị dưới thời của chế độ cũ. Khi có dịp về thăm địa phương, nhà máy, công trường. Người thường không báo trước là mình đi. Người thường xuống ngay hiện trường sản xuất, làm việc của người lao động, thăm nơi ăn, chốn ở, nhà kho nhà bếp, khu vệ sinh, giếng nước sau đó mới có buổi làm việc với lãnh đạo địa phương, đơn vị.
Trong ăn mặc, sinh hoạt thường ngày, Bác Hồ giản dị thế nào ta hằng biết và truyền tụng. Ăn thì vẫn cà pháo, tép đồng kho, rau muống luộc. Lúc ăn Bác không để rơi vãi một hạt cơm. Ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ. Về phong cách mặc thì, đại lễ có bộ ka-ki, ngày thường bộ bà ba mầu nâu lụa Hà Đông, đi guốc gỗ hay dép cao su. Cái nhà sàn của Bác tiện nghi thì rất ít, đơn sơ thì nhiều. Căn nhà sàn chỉ vẻn vẹn ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng giới thời đại, thi cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sách, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao.
Còn lúc tiếp xúc với quần chúng, Người gần gũi thân tình như người Bác, người cha, người ông, không hề có sự phân cách giữa lãnh tụ và nhân dân. Bác tặng kẹo cho trẻ thơ, tặng lụa cho cụ già, vỗ tay cất nhịp cùng hát bài kết đoàn…Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: cứu nước, cứu dân đến việc rất nhỏ, trồng cây trong vườn, viết thư cho các đồng chí, nói chuyện với các cháu miền nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn.
Trong đời sống hằng ngày, Bác thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương, để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Điều đó đã trở thành một nhu cầu, một nếp sống, thành điều tâm niệm suốt đời của Người, từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành Chủ tịch nước, chủ tịch Đảng, từ việc lớn đến việc nhỏ của Người thể hiện sự quán triệt tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Ta hiểu vì sao Người thường nhắc đến câu ca truyền miệng của nhân dân Quảng Bình:
“Dễ mười lần không dân cũng chịu
Khó trăm lần dân liệu cũng xong”
Hồ Chí Minh cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bản thân Người là tấm gương sáng về phong cách gần dân. Sự gần gũi đó được thể hiện ngay từ phút đầu tiên Người ra mắt quốc dân. Khi vừa đọc một đoạn Tuyên ngôn Độc lập, Người đã dừng lại hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Chỉ là một câu hỏi thôi, một câu hỏi bình dị, tự nhiên mà thực sự đã làm xúc động trái tim hàng chục triệu đồng bào toàn quốc! “Cả muôn triệu một lời đáp: Có! Như Trường Sơn say gió Biển Đông”.
Tại sao Bác giản dị đến nhường ấy? Bởi con người Bác là sự kết tinh của nhiều nền văn hóa. Bác làm chủ hoàn toàn được mình về trí tuệ, tình cảm, bởi Bác sống “như trời đất của ta” hiểu được lẽ trời đất, thiên mệnh, sống hòa nhịp với con người, với thời gian hiện tại nhưng lại hướng về tương lai.
Chi bộ Ban Vật giá