SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
9
1
1
3
1
5

Lạc Việt - HtmlEditor ‭[5]‬

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN ĐẦU ( CẤP TỈNH)

1. Trình tự thực hiện:

- Bước 1: Tiếp nhận đơn khiếu nại

 Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở và cấp tương đương, Giám đốc Sở, chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 19, 20, 21 Luật khiếu nại, người khiếu nại phải gửi đơn và các tài liệu liên quan (nếu có) người có thẩm quyền giải quyết.

- Bước 2: Thụ lý giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết cho người khiếu nại; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

- Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại

Trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 28 Luật khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm:

+ Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.

+ Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Việc xác minh nội dung khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật khiếu nại, Mục 2, Chương II của Thông tư số  07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.

- Bước 4: Tổ chức đối thoại (nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau). Trường hợp khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thì cơ quan, tổ chức phải đối thoại với người khiếu nại.

Đại diện cơ quan giải quyết khiếu nại trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc  đối thoại.

Khi đối thoại, người giải quyết nêu rõ nội dung cần đối thoại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình.

Việc đối thoại được lập thành biên bản; biên bản ghi rõ ý kiến của những người tham gia; kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do, biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

- Bước 5:  Ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở và cấp tương đương ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và trong thời hạn 03 ngày làm việc và gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan quản lý cấp trên.

2. Cách thức thực hiện:

Công dân, tổ chức gửi đơn trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

- Thành phần hồ sơ, bao gồm:

+ Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;

+ Các tài liệu khác có liên quan.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ

4. Thời hạn giải quyết:

Theo Điều 28 Luật khiếu nại

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.

5. Đối tượng thực hiện TTHC:

- Cá nhân

- Tổ chức

6. Cơ quan thực hiện TTHC:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định:  Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở và cấp tương đương.

- Cơ quan trực tiếp thực hiện: Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Sở, cơ quan thuộc Sở và cấp tương đương.

- Địa điểm thực hiện:

+ Đối với thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: tại Trụ sở cơ quan các sở và cấp tương đương (Giám đốc Sở có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nào chịu trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc lĩnh vực đó).

+ Đối với thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc thẩm quyền Giám đốc Sở, ban, ngành thành phố: tại Trụ sở các sở, ban, ngành tùy thuộc lĩnh vực chuyên môn phụ trách.

+ Đối với thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc thẩm quyền Thủ trưởng các cơ quan thuộc sở và cấp tương tương: tại trụ sở cơ quan thuộc sở và cấp tương đương.

7. Kết quả của việc thực hiện TTHC:

Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

8. Lệ phí (nếu có): không.

9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: không.

10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC:

i. Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.

ii. Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; trong trường hợp thông qua người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì người đại diện phải theo quy định tại Điều 12, Điều 16 Luật khiếu nại.

iii. Người khiếu nại phải làm đơn khiếu nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn, thời hiệu theo quy định của Luật khiếu nại.

iv. Việc khiếu nại chưa có quyết định giải quyết lần hai.

v. Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.

11. Căn cứ pháp lý của TTHC:

- Luật khiếu nại;

- Nghị định 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại;

- Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính;

- Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 của Thanh tra Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/25013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.

- Quyết định số 3164/QĐ-TTCP ngày 26/12/2017 của Thanh tra Chính phủ công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.

- Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy trình giải quyết khiếu nại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh./.

Tìm kiếm