SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
2
0
9
7
9
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ chí minh 20 Tháng Sáu 2017 8:35:00 SA

Tháng Năm nhớ Bác

Cứ mỗi dịp tháng 5 về, chúng ta lại bâng khuâng nhớ về ngày sinh nhật Bác - Ngày 19/5. Còn nhớ khi Bác Hồ kính yêu còn sống, ngày 19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hôm đó, Bác đã tiếp đón, nói chuyện và chụp ảnh chung với các đại biểu, đặc biệt là các cháu thiếu nhi Thủ đô Hà Nội, các chiến sĩ tự vệ, các hướng đạo sinh và các đại biểu từ Nam Bộ ra Bắc tập kết.
 

Lần đầu tiên được tổ chức sinh nhật, Bác cảm động trước tình cảm của nhân dân dành cho Bác, nhưng Bác lại nói: “Thật ra, các nhà báo ở đây đã làm to ngày sinh nhật của tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở đây, tôi thật lấy làm xấu hổ rằng trong miền Nam chưa được thái bình”. Rồi những tháng 5 sau đó, Bác thường căn dặn các địa phương, các cơ quan đoàn thể không nên tổ chức chúc thọ linh đình, làm tốn thời giờ, tốn tiển của, trong khi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Có lần Bác nói: “Bác cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại còn tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên”.
15 năm Bác ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch (12-1954-9-1969), đúng ngày 19-5, Bác thường tìm cách đi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém. Mà lần đầu tiên Bác thực hiện việc đó là ngày 19-5-1955, Bác đi thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Hà Nội, lên thăm và nghỉ ở Tam Đảo – Vĩnh Phúc. Có năm, vào dịp ngày sinh nhật của Bác, như dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 75 (năm 1965), Bác sang công tác bên Trung Quốc, hôm ở nhà nghỉ Bắc Kinh, các đồng chí ở đây có chuẩn bị chúc thọ, Người nói với cán bộ phụ trách nhà nghỉ: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây”. Và vào dịp ngày sinh năm sau, Bác lại sang Trung Quốc với mục đích như Người đã viết trong thư gửi bà Đặng Dĩnh Siêu – cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Tôi đi Trung Quốc lần này có mục đích và yêu cầu thật đơn giản, đó là đi du lịch, đi để tránh “chúc thọ”, “tránh tặng quà”.
Ngày 19-5, Bác vắng nhà. Ngày đó Bác giao cho những người phục vụ, bảo vệ tổ chức đánh bắt cá tại ao cá mà Người vẫn hàng ngày chăm sóc, để biếu các cụ già, các cháu bé, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cho anh em trong cơ quan phục vụ, bảo vệ Bác cải thiện bữa ăn. Việc này được thực hiện hàng năm đó vừa là sự quan tâm chăm lo của Bác đối với mọi người, vừa là để cảm ơn mọi người đã chăm lo đến cuộc sống hàng ngày của Người.
Hằng năm, cứ vào dịp này, Bác viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết đối với ngày sinh của mình. Và có những lần Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ. Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ của Bác Hồ tuy nói về ngày sinh của Bác, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm của Bác Hồi đối với non sông đất nước và đồng bào, là nguyên tắc sống của Bác: “Trung với nước, hiếu với dân”.
Vào sinh nhật cuối cùng trên cõi nhân sinh, mặc dù bản Di chúc Bác đã sửa trọn vẹn vào ngày cuối cùng 10-5-1969. Nhưng ngày 19-5-1969, đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi vào bàn làm việc tại nhà sàn xem lại các bản Di chúc viết các năm 1965, 1968, 1969. Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 19-5-1969, Bác Hồ tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi); chị Nguyễn Thị Châu (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên giải phóng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) đến chúc thọ Bác. Đến 14 giờ 30 phút ngày 19-5-1969, tại phòng làm việc trên gác nhà sàn, Bác Hồ viết thư khen thiếu niên Hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều thành tích trong việc chăm sóc trâu bò. Cũng trong ngày này, Bác Hồ gửi tặng cán bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung của Bác cho cán bộ, công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng và Đảng bộ tỉnh Nghệ An, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Bác.
Ngày 23-5-1969, Bác Hồ gửi điện cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Chủ tịch Trịnh Đình Thảo và Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam về những lời chúc mừng thân thiết nhân ngày sinh của Người.
Báo Nhân dân số 5522, ra ngày 28-5-1969, đăng thư cảm ơn chung của Bác Hồ nhân dịp sinh nhật. Bác gửi lời “Chúc đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, nhi đồng và bà con Hoa Kiều cả hai miền Nam Bắc – Đoàn kết chặt chẽ, sản xuất giỏi, công tác tốt, học tập tốt, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước…Chúc tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước XHCN anh em, các nước bạn, ngày càng củng cố và phát triển”.
Trọn vẹn ngày 19-5-1969 của Bác Hồ diễn ra ở nơi ở và làm việc của Bác tại khu Phủ Chủ tịch là vậy. Và đó là ngày kỷ niệm ngày sinh cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ.
Cả cuộc đời, Bác sống trong giản dị, đạm bạc, kể cả những năm tháng trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của dân tộc, thay cho cháo bẹ, rau măng của nhưng tháng ngày cách mạng còn trong trứng nước,là cơm trắng, cá kho, cà muối, canh cua, không có cao lương, mỹ vị., khi đi thăm hỏi đồng bào, đồng chí, ít khi Bác báo cho biết trước và càng không cho tổ chức tiếp đón linh đình. Bác thường đến thăm nom từ chỗ đơn giản nhất, chỗ ăn, nơi ở, như người cha đến thăm con…
Bác có công lao vô cùng to lớn, đó là đem lại sự hồi sinh cho dân tộc ta, đưa đất nước ta từ nô lệ, lầm than trở thành một đất nước độc lập, tự do . Nhưng cái to lớn vĩ đại hơn cả là tư tưởng đạo đức, nhân văn của Người mãi mãi tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ.
Tháng Năm nhớ Bác và học theo Bác. Bài học thiết thực và hiệu quả nhất là nói đi đôi với làm, bởi vì sinh thời Bác đã dạy: Đối với các dân tộc phương Đông, một tấm gương sống có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền./.
Phần kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Chi bộ Ban Vật giá.

Số lượt người xem: 2162    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm