SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
2
1
2
0
3
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ chí minh 17 Tháng Tám 2015 9:05:00 SA

Kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27-7

Thương binh liệt sỹ là những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian để quan tâm, thăm hỏi, động viên các đồng chí thương binh, liệt sỹ cùng gia đình họ.
Bác kính cẩn nghiêng mình cúi đầu trước vong linh các liệt sỹ

 

Cuối năm 1946, Bác đã thông báo “Tôi xin thay mặt đồng bào và Chính phủ gửi lời chào thân ái đến các gia đình Liệt sỹ và tôi nhận các con của Liệt sỹ làm con nuôi của tôi “và trong thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 10/03/1946, Người đã viết: “Tôi kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà”.
Tháng 6/1947, Người đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa đối với các Thương binh, Liệt sỹ và đã được Chính phủ thống nhất chọn ngày 27/7 hàng năm làm ngày Thương binh – Liệt sỹ . Bác đã kêu gọi đồng bào phải biết ơn, nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Ngay ngày 27/7/1947, Người đã nói: “Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, thương mến Thương binh. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ biếu tôi, một tháng lương của tôi và các nhân viên tại phủ Chủ tịch”. Tiếp theo những năm sau đó, năm nào Người cũng gửi một tháng lương, quần áo, khăn mặt để tặng anh chị em Thương binh. Người đã đề nghị chính quyền xã ở các địa phương cần đón Thương binh về nuôi và nên trích một phần đất công, hoặc khai hoang, vận động đồng bào cày cấy, gặt hái hoa lợi để nuôi Thương binh.
Bác luôn coi Thương binh là những người tàn mà không phế. Người đã thường xuyên động viên anh chị em Thương binh tùy theo sức của mình mà làm những công việc nhẹ nhàng để góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bản thân. Trong thư gửi Bộ trưởng Thương binh – Cựu binh ngày 27/7/1952, Bác đã nhắc nhở phải coi việc giúp đỡ Thương binh, bệnh binh, gia đình Liệt sỹ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc. Khi gửi thư cho đồng bào chiến sỹ Nam Bộ, Nam Trung Bộ ngày 23/9/1949, Người viết: “Hôm nay, cuộc kháng chiến oanh liệt ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ vừa đúng hai năm. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ, và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi gửi lời an ủi tới những chiến sỹ và đồng bào bị thương, bị địch giam cầm hoặc đang bị khổ sở nơi địch chiếm đóng”.
Tư tưởng chỉ đạo của Bác đối với Thương binh – Liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng là phải làm thường xuyên, lâu dài chứ không phải nhất thời. “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Chúng ta phải nhớ đến những Anh hùng, Liệt sỹ của Đảng ta, của dân ta”, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng đã nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong cảnh đất nước hòa bình, ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí Thương binh, Liệt sỹ, những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh thân mình hoặc bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường.
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất. Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với Thương binh, gia đình Liệt sỹ và những người đã kinh qua chiến đấu: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn. Đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các Liệt sỹ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các Liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của Thương binh và Liệt sỹ), người có công với nước mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Chi bộ ĐTSC


Số lượt người xem: 4177    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm