SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
2
1
7
1
3
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ chí minh 06 Tháng Bảy 2015 2:50:00 CH

Kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về lòng yêu nước của người Việt Nam và tư duy trọng người tài của Bác.

Thời khắc lịch sử ngày 02/9/1945, sau khi Việt Nam vừa giành độc lập từ tay người Nhật. Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thắp lên ngọn lửa thôi thúc tinh thần dân tộc của mỗi người Việt Nam, quyết bằng mọi giá phải giữ vững quyền tự do, độc lập cho đất nước.

 

Đại diện chi bộ Thanh tra kể chuyện học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh

 

Bản Tuyên ngôn độc lập ấy đã làm nức lòng bao con tim người Việt cả trong nước và trên thế giới. Bản Tuyên ngôn ấy đã hiệu triệu 3 con người trở về, đóng góp sức mình cho quê hương.
Trong mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử, khi tổ quốc cần tình yêu nước lại trở thành động lực lớn lao thôi thúc nhiều kiều bào từ bỏ cuộc sống vật chất, công danh và sự nghiệp để trở về mang chiến lược góp phần gìn giữ và bảo vệ quê hương.
Năm 1946, tại cảng Toulon – Pháp, có 3 trí thức Việt kiều đã bước vào một cuộc hành trình đặc biệt để trở về Việt Nam và quyết định đó đã làm thay đổi cuộc đời của họ.
Paris những năm 1940, những trí thức Việt kiều đều đang có một cuộc sống và sự nghiệp riêng để theo đuổi. Ngay từ năm 17 tuổi, người thanh niên Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) đã nuôi hoài bão chế tạo vũ khí nhằm giúp nước nhà đánh đuổi thực dân Pháp. Trong hàng trăm người Việt Nam sang Pháp du học thời đó có lẽ chỉ có Phạm Quang Lễ là người duy nhất có quyết tâm nghiên cứu về vũ khí, song đây là lĩnh vực bí mật và cấm tuyệt đối người dân thuộc địa. Vì vậy trong suốt 11 năm học ở Pháp ông chỉ có thể tự mò mẫm và bí mật tự học hỏi, sưu tầm tài liệu về các loại vũ khí.
Năm 1936, trường Đại học cầu đường là một ngôi trường danh tiếng ở Paris, việc thi đỗ vào ngôi trường này là không hề dễ dàng nhưng ông đã thi đỗ và quyết định theo học ngôi trường này vi tại đây, người ta dạy về thuốc nổ, về chế tạo mìn, bộc phá dùng để phá núi, mở đường, làm cầu. Chỉ có tại đây, người thanh niên Trần Đại Nghĩa mới có thể công khai đọc tài liệu cũng như tìm hiểu, nghiên cứu về chất nổ, một điều mà theo luật lệ Pháp thời bấy giờ là cấm những sinh viên đến từ các nước thuộc địa như ông được phép nghiên cứu. Ông đã dành 12 – 15 tiếng mỗi ngày để nghiên cứu những tài liệu chuyên ngành. Với 5 bằng đại học và kinh nghiệm làm việc trong viện nghiên cứu và nhiều nhà máy của Pháp, Đức. Năm 1946, ông trở thành kỹ sư trưởng của một nhà máy chế tạo máy bay của Pháp với mức lương tương đương 22 lượng vàng một tháng thời bấy giờ.
Paris năm 1946, Bệnh viện nhi đồng Necker là một trong những trung tâm y khoa danh tiếng không chỉ ở Pháp mà còn cả Châu Âu. Bác sĩ Trần Hữu Tước đã đỗ loại xuất sắc để vào làm việc tại đây, với khả năng của mình, bác sĩ đang có một mức lương khá tốt và nhiều cơ hội để tài năng được thăng hoa.
Kỹ sư Võ Quý Huân sang pháp năm 1937. Ông theo học một lúc 3 trường đại học với các chuyên ngành là đúc, luyện kim, và kỹ nghệ thực hành. Trước lúc về nước, ông đang có một gia đình hạnh phúc với một cô con gái mới tròn 2 tuổi.
Nhưng cột mốc quan trọng nhất trong cuộc đời của ba người trí thức tài năng ấy là năm 1946 khi Bác Hồ sang thăm Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Trong thời gian ở Pháp, với sức cảm hóa đặc biệt của mình, Bác Hồ đã thu hút nhiều trí thức Việt kiều tình nguyện xin được về nước phục vụ kháng chiến.
Nhận thấy không thể tránh khỏi một cuộc chiến đấu với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn 3 người trí thức ấy với một mục đích rõ ràng. Khả năng sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ghi lại trong hồi ký của Giáo sư Tạ Quang Bửu – một thành viên trong phái đoàn Việt Nam sang tham dự hội nghị Fontainebleau: “Sớm muộn gì chiến tranh Việt Pháp sẽ không tránh khỏi, chú Trần Đại Nghĩa, chú Võ Quý Huân sẽ chế tạo được vũ khí đánh giặc, chú Trần Hữu Tước bào chế thuốc men. Đó là yêu cầu khẩn thiết nhất lúc này”
Trở về với tổ quốc đó là lựa chọn tự nhiên, khi ngọn lửa nhiệt thành, lòng khát khao cống hiến đã thắp lửa trong mỗi con tim của những người con xa quê. Nhưng phải chăng luôn là thế trong mỗi sự chia li đều hiện hữu một nỗi ưu tư, một niềm luyến tiếc dù mơ hồ hay rõ nét. Phút chia tay Paris hoa lệ sau hơn 10 năm gắn bó, hẳn mỗi người trí thức năm xưa đều có những tâm sự của riêng mình.
Sân ga Lion sáng ngày 16/9/1946, một chuyến tàu hỏa với hai toa hành khách đặc biệt đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người tháp tùng xuôi về miền Nam nước Pháp để lên tàu thủy về nước. Trong những người trở về với tổ quốc, với Bác Hồ năm 1946, hoàn cảnh của kỹ sư Võ Quý Huân là đặc biệt hơn cả, là người duy nhất đã có gia đình riêng yên ấm. Ông thật không nỡ chia xa người vợ hiền và cô con gái bé bỏng mới lên hai tuổi. Nghẹn ngào giây phút biệt li, lúc chia tay trên đường vội vã ông chỉ kịp hứa với con yêu “Momo yêu quý của ba, ba đi công việc vài ba tháng sẽ trở lại”. Với Võ Quý Huân, việc lựa chọn trở về với quê hương Việt Nam năm 1946 là chấp nhận nén lại tình phụ tử thiêng liêng sâu nặng, với ông đây là một quyết định vô cùng khó khăn vì sứ mệnh thiêng liêng với tổ quốc.
Trở về quê hương với nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả trong điều kiện nước nhà còn đang vô cùng khó khăn, thiếu thốn và không phụ lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ - những tri thức Việt kiều - đã góp công rất lớn trong công cuộc kháng chiến và bảo vệ tổ quốc. Dấn thân vào cuộc trường kỳ kháng chiến, mỗi người trí thức Việt kiều đã đảm nhận một trọng trách vô cùng quan trọng.
Với những kiến thức về vũ khí tích lũy được trong thời gian học và làm việc tại Pháp, dù khó khăn chồng chất nhưng kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã chế tạo thành công súng Bazooka. Trước đây khi chưa có súng Bazooka, các chiến sĩ cảm tử phải ôm bom ba càng hy sinh thân mình lao vào tiêu diệt xe tăng địch. Bên cạnh súng Bazooka, ông còn chế tạo thành công nhiều loại vũ khí khác như súng đại bác không giật, SKZ. Câu chuyện chế tạo vũ khí hiện đại trong điều kiện thiếu thốn của núi rừng Việt Bắc được xem như huyền thoại của cuộc kháng chiến.
Nếu Trần Đại Nghĩa được biết đến là ông vua vũ khí Việt Nam thì kỹ sư Võ Quý Huân lại được coi là cha đẻ của ngành luyện kim. Ông dấn thân vào cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc với trọng trách sản xuất gang thép, cung cấp nguyên liệu để sản xuất vũ khí vốn là một bài toán nan giải thời bấy giờ góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 9 năm.
Trong khi công việc chế tạo vũ khí và luyện kim của Giáo sư Trần Đại Nghĩa và Kỹ sư Võ Quý Huân đã góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu của quân đội thì Bác sĩ Trần Hữu Tước cũng đã vượt lên bao khó khăn, thiếu thốn để chữa bệnh cho nhân dân và điều trị thương bệnh binh, ông đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp chăm lo sức khỏe của quân dân, trở thành một tấm gương sáng về y đức và trí tuệ của người thầy thuốc.
Với lòng yêu nước nồng nàn, sự hy sinh vô bờ bến vì một mục tiêu kiên định là độc lập tự do cho đất nước, cả ba người trí thức Việt kiều đã dành trọn cuộc đời tận tụy phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cuộc đời của họ là những tấm gương vì sự hy sinh và sẻ chia với số phận của đất nước, của dân tộc. Đặc biệt trong quyển tự thuật của Võ Quý Huân đã viết: “ Mỗi khi khó khăn, ông đều tự hào là được Bác đưa về”.
Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có văn bản với tiêu đề “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc số 411 ngày 20/11/1946. Văn bản nêu rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”.
Với chủ trương trọng dụng nhân tài, vì sự nghiệp cách mạng đất nước, Bác đã sang Pháp và đã tìm được 3 trí thức Việt kiều tiêu biểu trên. Trong bối cảnh đất nước đầy gian khó, các giai cấp, tầng lớp đều hướng về cách mạng, gạt bỏ mọi vướng mắc để chung tay giúp nước. Việc tìm được 3 trí thức Việt kiều trên đã cho thấy sự khéo léo trong cách dùng người và tầm nhìn, quan điểm trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chi bộ Thanh tra

Số lượt người xem: 4263    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm