SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
2
2
1
7
6
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ chí minh 28 Tháng Năm 2015 9:40:00 SA

Kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015)

Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015), trong buổi Kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sáng thứ hai ngày 18/5/2015, đại diện Chi bộ Công sản đã kể câu chuyện Kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại diện Chi bộ Công sản đã kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

Bác Hồ, người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”. Cuộc đời 79 mùa xuân tươi sáng, Bác đã cống hiến trọn vẹn cho dân, cho nước. Bác vui với niềm vui chung của dân tộc, Bác đau khi nhìn thấy nhân dân lầm than, nước mất, nhà tan…
Cứ mỗi dịp Tháng 5 về, lòng chúng ta lại bâng khuâng nhớ về kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, toàn dân ta lại cùng sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui dâng trào, kính yêu Bác vô hạn. Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.
Giản dị, khiêm tốn, quên mình vì dân, vì nước là những phẩm chất cao đẹp ở Bác. Từ thuở thiếu thời, khi làm người phụ bếp trong một chuyến tàu ra đi tìm đường cứu nước đến khi làm người thầy truyền đạt tri thức cho học trò và đến lúc đảm nhận trọng trách Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, ở cương vị nào Bác cũng luôn giữ cuộc sống thanh bạch, giản dị, khiêm tốn và hết sức tiết kiệm.
Với tinh thần của người cộng sản, Bác luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, dành trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, phấn đấu thực hiện “ham muốn tột bậc” là làm cho “Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước độc lập, nhân dân thoát khỏi ách nô lệ, được sống cuộc sống tự do, bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng cuộc sống thanh bạch của vị Chủ tịch nước vẫn không có gì thay đổi. Người không đòi hỏi bất kỳ những gì riêng tư cho mình, kể cả trong những dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người.
Ngày 19/5/1946 cũng là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân, toàn dân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ, Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam Bộ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”. Và những năm sau đó cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình, vì Bác sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ…
Ngày 19/5/1947, giữa lúc chiến tranh lan rộng ra cả nước, sinh nhật Bác diễn ra tại một địa điểm bí mật trên chiến khu ở Sơn Dương (Tuyên Quang) chỉ với một bó hoa rừng của những người thân cận tặng người đứng đầu cuộc kháng chiến. Nhưng Bác đã dành bó hoa ấy để đi viếng người cấp dưỡng của mình vừa qua đời vì sốt rét.
Ngày 19/5/1948, Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã gửi thư chúc mừng nhân sinh nhật Bác. Đáp lại những lời chúc mừng, Bác viết thư cảm ơn, có đoạn: “Đồng bào yêu mến chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn…”
Ngày 19/5/1949, Bác không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật của mình, vả lại lúc này tình hình chiến sự đang ác liệt. Vì thể để trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật mình, trước ngày 19/5, Bác đã làm bài thơ “Không đề”:
                                “Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà
                                Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
                                Chờ cho kháng chiến thành công đã
                                Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”
Trước ngày 19/5/1950, tại một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng (Tuyên Quang), nhân cuộc họp nhiều đồng chí đến chúc mừng sinh nhật Bác, để cảm ơn và đáp lại lời chúc thọ của mọi người, Bác đã làm bài thơ
                                “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
                                So với ông Bành vẫn thiếu niên
                                Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
                                Trần mà như thế kém gì tiên”
Khi ở Hà Nội, đúng ngày 19/5, Bác thườn đi làm việc, thăm hỏi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém. Ngày 19/5/1953, Bác thăm các cháu lớp mẫu giáo nhỏ tuổi, con em của các đồng chí cán bộ các cơ quan Trung ương; Bác nhắc các cô giáo phải cố gắng nuôi dạy các cháu cho chu đáo; Bác còn chụp ảnh chung với cô giáo và các cháu. Trước đó Bác làm bài thơ đọc và gửi đến mọi người, với nhan đề “Sáu mươi ba tuổi”:
                                “Chưa năm mươi đã kêu già
                                Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai
                                Sống quen thanh đạm nhẹ người
                                Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II năm 1963 khai mạc đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác. Trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Biết tin, Bác nói:”Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”. Bác nói tiếp: “Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”. Ngày 20/5/1968, Bác dự lễ khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa III. Sau khi nghe Thủ tướng đọc báo cáo và lời chúc thọ, Bác nói: “Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy tôi có bài thơ thế này.
                                “Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
                                Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
                                Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
                                Tiến bước! Ta cùng con em ta”.
Hồ Chí Minh cả cuộc đời không một phút riêng tư, “nâng niu tất cả chỉ quên mình”, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
                                “ Một đời thanh bạch chẳng vàng son
                                Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
                                Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Chi bộ Công sản

Số lượt người xem: 3843    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm