SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
2
0
9
9
6
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ chí minh 05 Tháng Năm 2015 2:20:00 CH

Kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: “Sống đẹp”

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2015), trong buổi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “. Chi bộ Đầu tư sửa chữa xin gửi đến một bài viết với chủ đề “Sống đẹp”.

 

Trước hết, xin được chia sẻ về nội dung của một bức thư đặc biệt có tên gọi “Gửi người còn sống”. Bức thư này đã được cố Thượng tướng Trần Văn Trà đăng trong tập sách “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” và báo Tiền phong cũng đã có bài giới thiệu vào năm 2005.
Lộ trình đến với bức thư “có một không hai” này được Cố Thượng tướng Trần Văn Trà kể lại như sau: “Vào mùa xuân năm 1984, trong một chuyến khảo sát để quy hoạch cơ sở sản xuất, đoàn cán bộ nông trường “Giải phóng” – tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Dương) do đồng chí Nhân – Thượng tá quân đội chuyển ngành, nguyên cán bộ Trung đoàn Bình Giã – dẫn đầu, ngược thượng nguồn sông Đồng Nai tới một vùng đồi rừng nguyên sinh đã xúc động, bàng hoàng trước một cảnh tượng rất đỗi thiêng liêng.
Trên 3 chiếc võng dù cùng cột chung đầu vào một thân cây, là 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ Quân giải phóng. Cạnh mỗi bộ hài cốt là một khẩu AK han rỉ, một đôi dép cao su. Những bí ẩn về sự hy sinh của 3 chiến sĩ giải phóng quân nhanh chóng được “giải mã” bởi bức thư bọc gói kỹ càng trong ni lông và được cột chặt ở đầu võng. Tuy những dòng viết run rẩy, nguệch ngoạc (vì bị thương, đói, khát), nhưng với những ý tứ, câu từ rất sáng rõ”.
Những người viết tự giới thiệu: “Chúng tôi: 1. Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; 2. Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; 3. Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn BG (Bình Giã), Quân giải phóng miền Nam…”
Những dòng thư đưa người đọc trở lại với một sự kiện lịch sử xảy ra cách hôm nay gần 50 năm. Ngày đó, sau trận tập kích của Trung đoàn Bình Giã và một số đơn vị khác thuộc Bộ Tư lệnh Miền, diệt một lực lượng lớn quân Mỹ - Ngụy ở Bông Trang – Nhà Đỏ (Thủ Dầu Một), tháng 2/1966 trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội, trong đó cáo các anh Vũ, Chí, Dũng được phân công nghi binh, đánh lạc hướng địch, để trung đoàn trở về an toàn. Một tiểu đội 11 người với những chiếc bật lửa và vài chiếc máy thông tin, mỗi người một khẩu AK đã làm tròn nhiệm vụ tạo dấu vết một trung đoàn hành quân về hậu cứ sau trận tập kích thắng lợi. Sau mấy ngày băng rừng, vượt suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rải thảm của B52, 8 người hy sinh; phương tiện thông tin hư hỏng. Vượt qua những ngày “đói quay đói quắt…, khát như khô cháy cả ruột gan…” và mang trên mình đầy thương tích, 3 chiến sĩ còn lại đã tới được cánh rừng này. Sức kiệt, không thể đi tiếp, không còn phương tiện thông tin, các anh quyết định dừng lại và “chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghĩ cuối cùng…”.
Chúng ta hãy nghe các anh tâm sự: “Quyết định rồi chúng tôi tự thấy khoan khoái lạ thường. Sáng suốt hẳn lên…Dừng lại ở đây với một ít sức lực còn lại viết một tường trình cuộc chiến đấu gửi lại cho ai đó tìm được…
Mỗi người đứng trước cái chết của mình cố gắng dùng một chút sức còn lại, quả thật rất ít ỏi, để thay nhau chấp bút. Chúng tôi đã chọn cây gỗ tơ còn sống lâu này làm trụ, giúp nhau mắc võng cho từng người, thống nhất nhau tư thế nằm trên võng, sắp xếp vài đồ vật còn lại…Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà thư thái với công việc chúng tôi đã làm…”
Sau khi chọn cho mình cái chết, 3 chiến sĩ – người yếu viết trước, người còn sức dành viết sau; các anh dồn chút sức lực còn lại viết về cuộc chiến đấu trong mấy ngày qua, về sự hy sinh của đồng đội; những tình cảm thân thương da diết đối với bố, mẹ, vợ con, người thân, quê hương…và bày tỏ niềm tin vào ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng.
Lần lượt, Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí vĩnh viễn ra đi. Người để lại những dòng lưu bút cuối cùng là Trần Viết Dũng. Xin được dẫn những dòng như dứt từ gan ruột của anh: “…Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thẩn để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư phải về tới tay những người đang sống…
Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.
Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhân rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.
Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.
Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích – Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh.
Mùa xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ.
Vũ Chí Dũng “
Chiến tranh tuy đã đi qua hơn 40 năm nhưng sự khốc liệt của nó sẽ vẫn còn đọng mãi. Sự hy sinh bi hùng cùng những dòng thư để lại của những người chiến sĩ Giải phóng quân như một lời ca bất tử của tuổi trẻ Việt nam thời thắng Mỹ. Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh một cách anh dũng để những người như chúng ta hôm nay có được cuộc sống bình yên và hạnh phúc.
Trước cái chế, họ vẫn rất bình thản vì họ đã đặt niềm tin vào chúng ta, những lớp người của thế hệ tương lai sẽ thay họ bước tiếp con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để cái chết của họ không trở thành vô nghĩa. Vậy thế hệ chúng ta hôm nay đã làm được những gì để đền đáp lại lòng tin ấy?
Chi bộ ĐTSC

Số lượt người xem: 4543    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm