SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
7
4
8
8
5
4
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ chí minh 16 Tháng Mười 2014 10:30:00 SA

Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học và học suốt đời. Theo người, tự học chính là sự nỗ lực của bản thân người học, sự làm việc của bản thân người học một cách có kế hoạch trên tinh thần tự động học tập, lại còn cần phải có môi trường, có sự quản lý, chỉ đạo hỗ trợ. Tự học có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp nhận tri thức, là phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân.

 

Đại diện Chi bộ HCSN kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

Trong tác phẩm Sửa đối lối làm việc (1947), Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”, phải coi trọng trách nhiệm tự học của mỗi người, tự học thêm để làm chủ được tri thức. Những điều được học, được nghiên cứu tại trường chỉ có thể ví như một “hạt nhân bé nhỏ” mà người học “sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả”.
                Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Mục đích của việc học là “Học để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học”, học để làm cán bộ phục vụ cho Tổ quốc “phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.
                Người cũng chỉ ra phương pháp học tập: “Học phải đi đôi với hành, học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Người căn dặn: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tiễn, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau.
                Trong những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước, Người luôn thể hiện một nghị lực phi thường, bền bỉ tự học, tự đào tạo. Bác tìm hiểu phong tục tập quán ở những nơi mình đi qua để nâng cao tri thức. Bác đã học và làm rất nhiều nghề khác nhau, bắt đầu từ việc làm thợ đốt lò trên tàu viễn dương, làm đầu bếp ở Mỹ, quét tuyết ở Anh, bốc thuốc ở Thái Lan, viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh, thợ sửa đồng hồ…Nhờ tình thần tự học mà việc gì Bác làm cũng giỏi. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phòng trào cách mạng trên thế giới. Chính quá trình tự nghiên cứu, học tập và khảo sát mà Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Ngay cả những năm tháng cuối đời trên giường bệnh, mặc dù sức khỏe đã già yếu nhưng Bác vẫn thể hiện tinh thần hiếu học. Đại tướng Hoàng Văn Thái kể rằng, năm 1969, mỗi lần đến làm việc, ông thường thấy trên chiếc bàn con bên giường của Bác để đầy sách báo đang xem. Ông lo lắng đến sức khỏe của Bác, nên đề nghị: “Thưa Bác, Bác mệt, Bác nên đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thả cho lại sức”. Bác trả lời: “Chú bảo Bác không đọc sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là để nắm vững tình hình chứ!”.
Chi bộ HCSN

Số lượt người xem: 5436    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm