SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
5
8
3
2
1
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ chí minh 16 Tháng Mười 2013 2:50:00 CH

Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần sáng thứ hai ngày 14/10/2013, Chi bộ Công sản đã kể câu chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề “Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp”

 

 
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911, tại làng An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Tháng 6-1940, Đại tướng được gặp Bác Hồ lần đầu tiên ở Thúy Hồ (Trung Quốc). Được sự dìu dắt của Bác, ngay trong năm 1940, Đại tướng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1941, Đại tướng trở về nước hoạt động, tích cực tham gia thành lập Mặt trận Việt Minh và được giao phụ trách Ban Xung phong Nam tiến.
Cuối năm 1944, Bác Hồ tin tưởng giao cho Đại tướng chọn lựa những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất với những vũ khí tốt nhất, lập thành một đội vũ trang mang tên là “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” gồm tất cả 34 người. Bác đã nói: Việc quân sự thì giao cho chú Văn (Văn là bí danh của Đại tướng). Sau một thời gian chuẩn bị, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập vào ngày 22-12-1944, tại một khu rừng ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Sau này, khu rừng ấy được đặt tên là khu rừng Trần Hưng Đạo, còn Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110 phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Buổi lễ được tiến hành trong nhà bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con suối lớn. Sát vách gian giữa là bàn thờ Tổ quốc. Hai bên là hai băng khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng: "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi", "Thống nhất độc lập nhất định thành công". Trong không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, gọi ông Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, nhưng sao chẳng thấy Bác nói gì mà chỉ thấy Bác cầm mùi xoa lau nước mắt. Ai nấy đều vô cùng xúc động.
Mãi sau, Bác mới cất tiếng, giọng trầm trầm: "Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay việc phong Tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thỏa lòng những người đã mất". 
Tiếp đó, Bác giao bản Sắc lệnh cho tướng Võ Nguyên Giáp và nói: "Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho".
Cuối năm 1953, Đại tướng được giao nhiệm vụ ra mặt trận làm Tổng tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi Đại tướng lên đường, Bác Hồ đã căn dặn: “Chú ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, có toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng. Các chú nhất định phải thắng. Chắc thắng thì đánh. Không chắc thắng, không đánh”. Nhớ lời căn dặn của Bác, khi đến Điện Biên Phủ, trực tiếp theo dõi tình hình địch suốt 11 ngày đêm, thấy địch đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố, Đại tướng xét thấy phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” không bảo đảm chắc thắng. Từ đó, Đại tướng đã quyết định thay đổi phương châm từ đánh nhanh, giải quyết nhanh thành đánh chắc, tiến chắc. Thực tế đã chứng minh sự thay đổi ấy là một yếu tố cực kỳ quan trọng để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Bác Hồ đã gọi đó là “cây cột mốc bằng vàng”.
Trong những ngày cả nước sục sôi khí thế cách mạng, khi chiến tranh thế giới lần thứ II đã dần ngã ngũ với thắng lợi thuộc về phe đồng minh thì ở căn cứ Việt Bắc, Bác bị ốm rất nặng. Lúc này, cán bộ Trung ương ở bên cạnh Bác chỉ có Đại tướng. Bác sốt liên tục, hễ tỉnh lại lúc nào là nói chuyện tình hình và nhiệm vụ cách mạng như có ý dặn lại mọi việc với Đại tướng. Trong những điều Bác dặn dò ấy, có một câu nói đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập!”.
Cách mạng Tháng Tám vừa thành công thì thù trong giặc ngoài ráo riết chống phá, hòng bóp chết Nhà nước Cộng hòa non trẻ. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo ra sức chèo lái vận mệnh sơn hà và đã phải nhân nhượng với kẻ thù nhiều điều nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến. Song những nhân nhượng ấy cũng có một số cán bộ chưa đồng tình.
Để thông suốt chủ trương, trong một cuộc họp, Bác đã hỏi: “Mình đứng đây, cái bục ở đây - Bác chỉ vào cái bục ở ngay trước ngực - Mình có thể nhảy qua cái bục này được không?”. Mọi người ngạc nhiên, chưa biết Bác định nói gì, thì Bác chỉ tay vào Đại tướng:
“Chú Giáp! Chú là người giỏi văn, giỏi võ, chú thấy có thể nhảy qua được không?”.
Đại tướng từ tốn trả lời: “Thưa Bác! Có thể nhảy qua được với một điều kiện”.
Bác hỏi tiếp: “Điều kiện gì?”.
Đại tướng bình tĩnh đáp: “Thưa Bác! Mình phải lùi lại một khoảng để lấy đà”.
Bác liền khen: “Chú nói đúng! Chúng ta nhân nhượng với giặc chính là đang lùi lại để lấy đà đấy!”
Những chiến công của quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ luôn gắn liền với tên tuổi của Đại tướng. Là một vị tướng lừng danh thế giới, nhưng Đại tướng luôn coi mình là người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng thường kể lại với mọi người về những ấn tượng sâu sắc trong lần đầu tiên được gặp Bác Hồ: “Ngay từ đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi! ở Bác toát ra một cái gì đó rất trong sáng, gần gũi. Một điều làm tôi hết sức cảm phục là khi nói chuyện với tôi, Bác nói rất nhiều tiếng địa phương. Tôi không ngờ một người xa đất nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được nguyên vẹn tiếng nói của quê hương...”

 Chi bộ Công sản


Số lượt người xem: 10408    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm