SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
7
5
3
3
6
5
Tin tức sự kiện 04 Tháng Năm 2015 2:10:00 CH

Một số nội dung chính của Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/03/2015 của Chính phủ về Quy định việc thực hiện kết luận thanh tra

Trong những năm qua, công tác thực hiện kết luận thanh tra luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Ngày 27/03/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2015/NĐ-CP quy định việc thực hiện kết luận thanh tra.
Ảnh minh họa

 

Theo đó, một số nội dung chính quy định như sau:
1, Bố cục Nghị định: gồm 4 Chương, 27 Điều
Chương I: Quy định chung
Chương II: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận thanh tra
- Mục 1: Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra.
- Mục 2: Trách nhiệm của cơ quan ban hành kết luận thanh tra.
- Mục 3: Trách nhiệm của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Mục 4: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra.
Chương III: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.
Chương IV: Điều khoản thi hành
2. Nội dung chủ yếu của Nghị định
2.1 Quy định chung (Chương I)
Chương này Quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2); Nguyên tắc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 3);
Về phạm vi điều c hỉnh: Nghị định này Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận thanh tra, theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.
2.2 Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra (Mục 1, Chương II)
Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra được quy định tại Nghị định là ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra và ban hành văn bản xử lý theo thẩm quyền. Điều 4 của Nghị định đã quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm: “Ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra”, đồng thời, nêu rõ yêu cầu về nội dung của văn bản chỉ đạo, đó là “ Phải thể hiện rõ ý kiến về kiến nghị trong kết luận thanh tra, về việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu của tội phạm sang cơ quan điều tra; Xác định trách nhiệm của đối tượng thanh tra, của cơ quan ban hành kết luận thanh tra, cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra”.
Cụ thể hóa Quy định của Luật Thanh tra, Nghị định quy định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra trong việc xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế, bao gồm: Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định thu hồi tiền, đất đai, tài sản khác bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; Quyết định đình chỉ hành vi vi phạm; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước (Điều 5). Đồng thời, Nghị định đã quy định trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra trong việc xử lý kỷ luật hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật (Điều 6) và việc khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, hoàn thiện chính sách, pháp luật (Điều 7).
2.3 Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra (Mục 2, Chương II)
Điều 8 của Nghị định đã quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra trong việc ban hành quyết định, yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra trong phạm vi thẩm quyền của mình. Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 9).
2.4 Trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Mục 3, Chương II)
Đặc thù của việc thực hiện kết luận thanh tra là không chỉ đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác cũng phải có trách nhiệm thực hiện. Do trách nhiệm của đối tượng thanh tra và các chủ thể có liên quan khá tương đồng, nên Mục này quy định chung về trách nhiệm của hai nhóm chủ thể trên.
Đây là nhóm chủ thể trọng tâm, chịu sự tác động trực tiếp của kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Vì vậy, Mục này cụ thể hóa trách nhiệm của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc:
- Tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra (Điều 10), cụ thể đối với các nội dung đã được xác định rõ ràng trong kết luận thanh tra thì phải được tổ chức thực hiện kịp thời ,đầy đủ. Trường hợp kết luận thanh tra có nhiều nội dung, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, việc thực hiện kết luận thanh tra đòi hỏi phải có lộ trình thực hiện thì đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức phải lập Kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra.
- Thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế (Điều 11);
- Thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị về xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm (Điều 12);
- Thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, hoàn thiện chính sách, pháp luật (Điều 13).
- Báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 14) với các nội dung: việc thực hiện và tổ chức thực hiện kết luận thanh tra; tiến độ, kết quả thực hiện kết luận thanh tra; khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; các hành vi vi phạm pháp luật và việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra.
2.5 Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra (Mục 4 Chương II)
Tương tự cách thể hiện các quy định tại Mục 2 và Mục 3 của Chương II, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra phải căn cứ nội dung của kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị về thanh tra để thực hiện và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 15); Xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra theo thẩm quyền (Điều 16)
2.6 Về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra (Chương III)
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra là công đoạn quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý sau thanh tra nói riêng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước nói chung. Vì vậy, Chương III của Nghị định đã quy định về nội dung này, gồm: nguyên tắc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra (Điều 17); Trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra (Điều 18, 19); Đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra (Điều 20); Nội dung theo dõi, đôn đốc, kiểm tra (Điều 21) và trình tự, thủ tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra (Điều 22, 23 và 24).
2.7 Điều khoản thi hành (Chương IV)
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2015, bãi bỏ Điều 56 và Điều 57 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/09/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong việc thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra được quy định tại Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
 Thanh tra

Số lượt người xem: 3664    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm