SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
5
8
5
9
2
Tin tức sự kiện 03 Tháng Mười Một 2014 2:45:00 CH

Tăng tính tự chủ cho đơn vị sự nghiệp

Việc sửa đổi Nghị định số 43 để tăng cường tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp sẽ buộc các đơn vị này phải năng động hơn, có cơ chế chi trả lương thỏa đáng để thu hút người tài làm việc.

 

Chính phủ bàn thảo dự thảo Nghị định quy định  về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế Nghị định 43/2006
 
Chiều nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ đã bàn thảo dự thảo Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP.

Việc tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập ở tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính được các thành viên Chính phủ đồng tình cao, nhằm giảm gánh nặng chi ngân sách đối với 2 triệu viên chức để có điều kiện cải cách tiền lương tốt hơn.

Đặc biệt, việc giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập đi kèm với những mức quyền lợi mà các đơn vị này được hưởng sẽ tạo động lực nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các đơn vị.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, người đứng đầu cơ quan soạn thảo cho biết dự thảo Nghị định quy định đơn vị sự nghiệp công tự chủ về tài chính theo các mức độ: Đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự chủ chi thường xuyên, đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Đơn vị nào tự chủ cao về nguồn tài chính thì được giao quyền tự chủ tài chính cao hơn và ngược lại, đơn vị nào tự chủ thấp thì quyền tự chủ tài chính thấp hơn. Ví dụ, mức cao nhất là tự chủ chi thường xuyên và đầu tư thì đơn vị quyết định dự án đầu tư, phân kỳ thời gian triển khai trên cơ sở danh mục dự án đầu tư được phê duyệt; ngân sách nhà nước tiếp tục bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư dở dang có sử dụng vốn ngân sách; không hạn chế mức trích Quỹ bổ sung thu nhập và nhiều quyền tự chủ tài chính khác.

Đặc biệt, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) khi đảm bảo một số điều kiện cụ thể.

Trong khi đó, nếu chỉ tự chủ chi thường xuyên, một phần chi thường xuyên và nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì mức trích Quỹ bổ sung thu nhập tối đa lần lượt là không quá 3 lần, 2 lần và 1 lần quỹ tiền lương...

Ngoài ra, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước thì sẽ được tự chủ hoàn toàn trong tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự làm việc.

Vừa khuyến khích tự chủ, dự thảo Nghị định cũng “buộc” các đơn vị sự nghiệp công vươn lên tự chủ bằng cách đưa ra lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó có hai phương án, một là đến năm 2015 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định), đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định), đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Phương án hai vẫn là cách tính giá trên nhưng lùi các mốc thời gian tương ứng là các năm 2016, 2018 và 2020. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định mới cũng để “mở” cho đơn vị sự nghiệp công lập nào đã tính đủ chi phí thì có thể ban hành giá dịch vụ theo thị trường luôn.

Lộ trình giá là tính tới thu nhập người dân để đơn vị có lộ trình phù hợp với thu nhập và khả năng ngân sách hỗ trợ người nghèo và đơn vị nào làm được thì làm theo thị trường.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng đổi mới phương thức cấp phát ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công theo hướng Nhà nước đặt hàng đơn vị cung cấp dịch vụ công để chi theo giá dịch vụ đã xác định chứ không cấp phát ngân sách như hiện nay. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn đảm bảo lợi ích của đối tượng chính sách khi thụ hưởng dịch vụ công.

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị định, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là Nghị định “khung”, đề nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết hơn việc tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.

“Tự chủ để đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ tốt hơn, các đơn vị năng động hơn, thu hút khả năng đầu tư của xã hội, giảm chi ngân sách của nhà nước vào khu vực này”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần có mức khung tự chủ chi thường xuyên (chi cho nghiệp vụ, con người) để đơn vị sự nghiệp dành chi cho đầu tư phát triển, cung cấp dịch vụ công ngày một tốt hơn, tuy nhiên cũng phải tính toán để có mức chi trả lương thỏa đáng thu hút người có tài làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lộ trình áp dụng giá, phí theo thị trường cho phù hợp với thu nhập người dân và khả năng chi trả của ngân sách. Tuy nhiên, Thủ tướng đồng tình không áp dụng “cứng” theo lộ trình mà tạo điều kiện cho đơn vị nào làm tốt thì có mức tự chủ cao hơn.
(Theo Chinhphu.vn)

 


Số lượt người xem: 3530    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm