SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
6
2
2
2
7
Tin trong ngành 21 Tháng Giêng 2015 7:30:00 SA

Công khai điều hành giá trong năm 2015

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong năm 2015 thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2015. Trong một hội thảo mới đây về lạm phát, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề nghị, năm 2015 cần thận trọng điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tránh "té nước theo mưa" vì lạm phát thấp mà điều chỉnh không theo lộ trình các mặt hàng nhạy cảm đối với nền kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành, theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là các dịp lễ, Tết.
Đối với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan, địa phương, Chính phủ yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác theo quy định của pháp luật về giá. Điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ công (bao gồm cả học phí, viện phí) theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2015.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả. Giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước.
Năm 2015, nhiều yếu tố đó báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ rõ rệt hơn. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2014 và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).
Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển Kinh tế- xã hội năm 2015 đã đề ra mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%, nên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh theo lộ trình giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cần thận trọng để đảm bảo theo đúng chỉ tiêu Quốc hội giao.
Theo dự báo, áp lực lạm phát từ thị trường thế giới năm 2015 không quá cao, kết hợp với những thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện từ những năm trước là những thuận lợi để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát năm 2015.
Bộ Tài chính "vào cuộc"
Trong phạm vi chức năng quản lý của mình, ngay trong những ngày đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn.
Tại hai văn bản ban hành từ những ngày đầu năm 2015, Bộ Tài chính yêu cầu: Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn (gạo nếp, gạo tẻ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau xanh, trái cây, bánh kẹo, bia, rượu, nước ngọt, hoa, cây cảnh, cước vận chuyển hành khách, phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, vé tham quan ...).
Đối với một số mặt hàng là đầu vào của ngành nông nghiệp như phân đạm urê, phân NPK, thức ăn chăn nuôi chưa thể hiện rõ xu hướng giảm khi đầu vào giảm, Bộ Tài chính đã hối thúc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này giảm giá.
Không điều hành chung chung, Bộ Tài chính đã "điểm mặt, chỉ tên" những loại hàng hóa có tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh của đại đa số người dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường, tránh tình trạng "té nước theo mưa" mỗi dịp Tết đến.
Định hướng quản lý, điều hành giá trong năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá nói chung. Bên cạnh đó, các Bộ quản lý chuyên ngành cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hàng hóa dịch vụ chuyên ngành thuộc Bộ, ngành quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên địa bàn địa phương theo quy định của pháp luật.
Trong đó, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật Giá; Tiếp tục triển khai có hiệu quả biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan; Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...
Bộ Tài chính cho rằng, trong trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đây là một trong những giải pháp nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế. Trong một số hội thảo gần đây liên quan đến giá cả, lạm phát, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 5%, trong điều hành giá cơ quan quản lý cần thận trọng vì diễn biến giá cả ở Việt Nam năm 2015 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước (điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục…). Bởi vì, năm 2015 nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng giá điện, viện phí, học phí... theo lộ trình thực hiện cơ chế giá thị trường và xã hội hóa giá dịch vụ y tế, giáo dục. Do đó, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều, lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.
LN (Theo www.mof.gov.vn)

Số lượt người xem: 3026    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm