Qua quá trình xây dựng, chỉnh sửa, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) đến nay cơ bản đã được hoàn thiện. Những bất cập, vướng mắc trong ĐGTS phần lớn đã được tháo gỡ. Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản được quy định ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch. Một số thủ tục riêng đối với một số tài sản đấu giá đặc thù đã được bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên (ĐGV), tổ chức ĐGTS được tăng cường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ĐGTS được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, để dự thảo Luật ngày càng hoàn thiện, tác giả xin được tiếp tục trao đổi một số nội dung sau:
Thực tế hiện nay, do pháp luật chưa có quy định nên các tổ chức ĐGTS thực hiện việc lập hồ sơ tài sản đấu giá theo những cách thức rất khác nhau. Có tổ chức ĐGTS thực hiện việc lập hồ sơ với đầy đủ các thông tin cần thiết về tài sản đấu giá, về trình tự, thủ tục đấu giá, các mẫu văn bản sử dụng trong quá trình đăng ký tham gia đấu giá; có tổ chức ĐGTS chỉ cung cấp cho người có nhu cầu tham gia đấu giá duy nhất Đơn đăng ký tham gia đấu giá và được lý giải: càng đưa nhiều tài liệu vào hồ sơ đấu giá tài sản thì tổ chức ĐGTS càng lỗ, nhất là những tài sản có nhiều người tham gia, vì tổ chức ĐGTS phải bỏ ra các chi phí (chi phí in, photocopy, đóng quyển hồ sơ, túi đựng hồ sơ, v.v..), trong khi đó, tiền bán hồ sơ lại thuộc về người có tài sản đấu giá.
Tuy nhiên, trong ĐGTS, người có nhiều thông tin là người chiếm lợi thế. “Thuyết bất cân xứng về thông tin giải thích hành vi của các bên và nhu cầu can thiệp của nhà nước, vì vậy, đặc biệt hữu ích khi giải thích những chính sách pháp luật liên quan đến minh bạch hóa thông tin, liên quan đến giao kết hợp đồng...”. Mức độ thông tin có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược trả giá của người tham gia đấu giá. Nó góp phần giải thích vì sao cùng tham gia đấu giá, nhưng mỗi người sẽ trả ở một mức giá khác nhau, thậm chí rất chênh lệch nhau. Mức trả giá của mỗi người thấp hay cao phụ thuộc vào mức độ thông tin mà họ có được và sự đánh giá chủ quan của họ về giá trị tài sản đấu giá. Và theo Vijay Krishna, việc phát hành thông tin công cộng làm tăng doanh thu ở cả hai định dạng đấu giá thứ hai và đấu giá kiểu Anh (đấu giá tăng dần).
Thông tin về việc ĐGTS được chứa đựng chủ yếu trong Hồ sơ tài sản đấu giá mà tổ chức ĐGTS cung cấp cho khách hàng, Quy chế cuộc đấu giá, Thông báo đấu giá. Mặc dù dự thảo Luật đã quy định về việc bắt buộc tổ chức ĐGTS phải đăng Quy chế và Thông báo đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, tuy nhiên, hai tài liệu này khó có thể cung cấp đầy đủ các thông tin về việc ĐGTS, nhất là các thông tin chi tiết về tài sản đấu giá (Quy chế và Thông báo thường chỉ nêu tên tài sản đấu giá và có thể chỉ dẫn đến những tài liệu thể hiện đặc điểm chi tiết, hiện trạng, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá như: Chứng thư thẩm định giá, biên bản xác định giá khởi điểm, văn bản giám định, v.v..).
|
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Luật cần dự thảo lộ trình để buộc các tổ chức ĐGTS phải xây dựng trang thông tin điện tử của tổ chức mình, đồng thời đưa lên trang thông tin điện tử của mình toàn bộ hồ sơ từng cuộc đấu giá để những người có nhu cầu có thể thuận tiện truy cập tham khảo trực tiếp hoặc tải hồ sơ thay vì phải mua/nộp hồ sơ trực tiếp như hiện nay. Trong ảnh: Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, do đặc thù của hoạt động ĐGTS (tổ chức ĐGTS không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của tài sản đấu giá trừ khi không thông báo đầy đủ, chính xác cho người tham gia đấu giá những thông tin cần thiết có liên quan đến giá trị, chất lượng của tài sản đấu giá theo hợp đồng đấu giá tài sản) nên việc cung cấp thông tin đầy đủ về tài sản đấu giá là rất cần thiết. Sau khi nghiên cứu thông tin và xem tài sản đấu giá, người có nhu cầu tham gia đấu giá sẽ quyết định có/hoặc không đăng ký tham gia ĐGTS. Và nếu tham gia đấu giá, trên cơ sở thông tin được cung cấp trong hồ sơ tài sản đấu giá, họ sẽ tính toán mức giá trả cho phù hợp. Do vậy, khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật cần bổ sung quy định về thời điểm lập hồ sơ tài sản đấu giá (sau khi ban hành Quy chế/Thông báo và trước thời điểm niêm yết việc ĐGTS); đồng thời bổ sung quy định về các tài liệu cần có trong hồ sơ tài sản đấu giá (Đơn đăng ký tham gia đấu giá; Quy chế cuôc đấu giá; Giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá do người có tài sản cung cấp) để thống nhất thực hiện.
Mặt khác, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Luật cần dự thảo lộ trình để buộc các tổ chức ĐGTS phải xây dựng trang thông tin điện tử của tổ chức mình, đồng thời đưa lên trang thông tin điện tử của mình toàn bộ hồ sơ từng cuộc đấu giá để những người có nhu cầu có thể thuận tiện truy cập tham khảo trực tiếp hoặc tải hồ sơ thay vì phải mua/nộp hồ sơ trực tiếp như hiện nay.
|
Bước giá có ý rất nghĩa quan trọng trong quá trình tổ chức ĐGTS. Việc quy định và sử dụng bước giá phù hợp góp phần hạn chế tiêu cực, khích lệ người tham gia đấu giá trả giá nhằm bán được tài sản với giá cao nhất, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá và tổ chức ĐGTS. Cuộc đấu giá trực tiếp bằng lời nói và đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá cần có bước giá, bởi nếu không có bước giá, trường hợp có người tham gia đấu giá không thiện chí, cuộc đấu giá sẽ kéo dài, có thể rất dài, thậm chí không thành. Đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, do trả giá gián tiếp duy nhất một lần nên có thể không cần sử dụng bước giá.
|
Dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung khá toàn diện về bước giá. Tuy nhiên theo tác giả, để tạo sự thuận lợi, chủ động cho tổ chức ĐGTS, có thể bỏ quy định “hoặc thông báo (bước giá) bằng văn bản cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản” tại điểm đ1 khoản 16 Điều 1 dự thảo Luật, bởi theo quy định tại các khoản 8, 9 Điều 1 dự thảo Luật, trường hợp cuộc đấu giá có bước giá thì bắt buộc tổ chức ĐGTS phải quy định bước giá trong Quy chế cuộc đấu giá và trong Thông báo đấu giá tài sản. Và thông thường, sau khi ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, tổ chức ĐGTS sẽ xây dựng và ban hành Quy chế, Thông báo đấu giá để niêm yết, thông báo và đưa vào hồ sơ tài sản đấu giá. Do vậy, nếu quy định bước giá trong Hợp đồng dịch vụ đấu giá tạo sẽ tạo thuận lợi cho tổ chức ĐGTS thực hiện các công việc tiếp theo để đưa tài sản ra đấu giá. Nếu Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản không quy định bước giá, trường hợp người có tài sản đấu giá thiếu thiện chí, chậm chễ trong việc gửi văn bản thông báo bước giá cho tổ chức ĐGTS sẽ khiến tổ chức ĐGTS bị động, khó triển khai các hoạt động ĐGTS tiếp theo.
|
Luật ĐGTS hiện quy định (1) chưa phù hợp việc xác định đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá theo phương thức trả giá lên; (2) chưa rõ ràng về thời điểm giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Dự thảo Luật sửa đổi chưa sửa đổi, bổ sung các vấn đề này.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật ĐGTS, “người trúng đấu giá được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá kể từ thời điểm Đấu giá viên công bố người trúng đấu giá ...”. Như vậy, Luật ĐGTS xác định ĐGV là người đưa ra đề nghị, người tham gia đấu giá (sau này là người trúng đấu giá) là người chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Khoản 3 Điều 46 nêu trên được quy định tại Chương III Luật ĐGTS (phần trình tự, thủ tục chung) nên sẽ được áp dụng chung cho cả phương thức trả giá lên và phương thức đặt giá xuống. Tuy nhiên, theo lý luận về đấu giá cũng như lý thuyết về hợp đồng, quy định này chỉ phù hợp trong trường hợp cuộc đấu giá được tổ chức theo phương thức đặt giá xuống, chưa phù hợp theo phương thức trả giá lên.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015, đề nghị giao kết hợp đồng “là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng”. Khoản 1 Điều 393 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng “là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”. Trong đấu giá tăng dần, việc ĐGV mời những người tham gia đấu giá trả giá mua tài sản khi bắt đầu cuộc đấu giá, thoạt nhìn có vẻ giống như lời đề nghị giao kết (đã có một tài sản cụ thể; có mức giá khởi điểm; ĐGV đã thể hiện mong muốn bán tài sản và đã truyền đạt mong muốn đó tới những người tham gia đấu giá).
|
Tuy nhiên, giá khởi điểm mà ĐGV công bố tại cuộc đấu giá chỉ là mức giá tối thiểu và ĐGV không thể hiện sự ràng buộc sẽ bán tài sản ở mức giá khởi điểm này. Bên bán (người có tài sản đấu giá) và ĐGV thường mong muốn bán tài sản với giá cao hơn giá khởi điểm thông qua sự cạnh tranh trả giá giữa những người tham gia đấu giá tại cuộc đấu giá. Và do vậy, việc mời trả giá của ĐGV không phải là một lời đề nghị, nó đơn thuần chỉ là một lời mời giao kết. Trên cơ sở lời mời trả giá/lời mời giao kết hợp đồng của ĐGV, người tham gia đấu giá liên tục đề xuất các mức giá trả khác nhau, lần trả giá sau cao hơn lần trả giá trước. Đây mới chính là đề nghị giao kết hợp đồng trong đấu giá tăng dần. Và cho đến khi chỉ còn duy nhất một người trả giá cao nhất hợp lệ, ĐGV chấp nhận bán tài sản. Như vậy, trong đấu giá tăng dần, ngời tham gia đấu giá đưa ra đề nghi, ĐGV mới là người chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Ngược lại, trong phương thức đặt giá xuống, ĐGV là người đưa ra đề nghị (đã có một tài sản cụ thể; có mức giá mà ĐGV đồng ý bán; ĐGV đã thể hiện mong muốn bán tài sản tới những người tham gia đấu giá), người tham gia đấu giá là người chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng đấu giá tài sản.
Luật ĐGTS quy định chưa rõ ràng về thời điểm giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Theo khoản 3 Điều 46 Luật ĐGTS, người trúng đấu giá được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá kể từ thời điểm ĐGV công bố người trúng đấu giá “trừ trường hợp người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này hoặc từ chối kết quả trúng đấu giá quy định tại Điều 51 của Luật này”. Khoản 3 Điều 44 Luật ĐGTS lại quy định: “Người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá được coi như không chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ...”. Khoản 5 Điều 38 Luật ĐGTS cũng quy định: “Trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ...”. Và theo khoản 2 Điều 45 Luật ĐGTS thì “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản hoặc Hội đồng đấu giá tài sản chuyển kết quả đấu giá tài sản, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá cho người có tài sản đấu giá để ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ...”. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật ĐGTS thì thời điểm ĐGV công bố người trúng đấu giá hoặc khi đấu giá không thành là thời điểm chấm dứt cuộc đấu giá. Với các quy định như trên thì chưa rõ ràng rằng, kết thúc cuộc đấu giá thành, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã được giao kết hay chưa? Nếu đã được giao kết thì vì sao Luật ĐGTS lại xác định người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá hoặc từ chối kết quả trúng đấu giá “được coi như không chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu”?. Còn nếu chưa giao kết thì hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được giao kết ở thời điểm nào? Và khi đó, ĐGTS có ý nghĩa gì?
Theo mục 10 Luật bán đấu giá của Malaysia, một cuộc bán đấu giá công khai sẽ hoàn thành khi Đấu giá viên thông báo bằng cách gõ búa. Và người trả giá là bên chào giá (bên đề nghị giao kết hợp đồng), ĐGV có quyền chấp nhận hoặc từ chối bất kỳ sự trả giá nào. Việc bán đấu giá hoàn tất khi ĐGV thông báo việc bán đấu giá hoàn thành bằng cách gõ búa hoặc theo những cách thông thường khác. Như vậy, khi chiếc búa rơi xuống, hợp đồng được ràng buộc và tài sản được bán.
Từ phân tích trên cho thấy, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 44 và khoản 3 Điều 46 Luật ĐGTS cho phù hợp với lý thuyết về hợp đồng và lý luận về đấu giá tăng dần cũng như phù hợp với thông lệ chung trên thế giới, trong đó: (1) xác định lại đề nghị và chấp nhận đề nghị trong giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá theo phương thức trả giá lên theo hướng: người tham gia đấu giá đưa ra đề nghị, ĐGV chấp nhận đề nghị khi có người tham gia đấu giá trả giá cao nhất hợp lệ; (2) xác định và quy định cụ thể thời điểm giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là thời điểm ĐGV tuyên bố/hoặc gõ búa/hoặc bất kỳ hình thức chấp nhận nào khác khi đấu giá thành; (3) hủy bỏ toàn bộ quy định tại khoản 3 Điều 46 và khoản 3 Điều 44 Luật ĐGTS về việc coi người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá hoặc từ chối kết quả trúng đấu giá là không chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; khoản 5 Điều 39 Luật ĐGTS về trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước được chuyền thành tiền đặt cọc để đảm bảo giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
|
Đối với trường hợp từ chối ký biên bản đấu giá (Điều 44 Luật ĐGTS) và từ chối kết quả trúng đấu giá (Điều 51 Luật ĐGTS), theo kiến nghị tại mục 3 đã nêu trên, hợp đồng mua bán tài sản đã được giao kết trước thời điểm từ chối. Và “Về nguyên tắc, khi hợp đồng được giao kết, quan hệ hợp đồng giữa các bên đã chính thức được thiết lập nên các bên không còn cơ hội và cũng không thể tự ý thay đổi đề nghị hoặc chấp nhận đề nghị mà mỗi bên đã tuyên bố trước đó”. Điều 50 Luật ĐGTS quy định người trả giá cao nhất rút lại giá đã trả thì hợp đồng mua bán tài sản đấu giá chưa được giao kết, ĐGV vẫn tổ chức tiếp cuộc đấu giá để tìm ra người trả giá cao nhất hợp lệ trúng đấu giá. Mặc dù bản chất pháp lý của các trường hợp trên là khác nhau, nhưng Luật ĐGTS lại quy định chế tài xử lý tương tự nhau (không được nhận lại khoản tiền đặt trước). Như vậy, chế tài áp dụng đối với người từ chối ký biên bản đấu giá (Điều 44 Luật ĐGTS) và từ chối kết quả trúng đấu giá (Điều 51 Luật ĐGTS) là quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất của hành vi vi phạm. Mặc dù Điều 51 Luật ĐGTS cho phép bán cho người trả giá liền kề đủ điều kiện mua tài sản nếu việc từ chối diễn ra tại cuộc đấu giá, bảo đảm người có tài sản đấu giá có thể thu về khoản tiền ít nhất bằng hoặc cao hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá, tuy nhiên, nếu người trả giá liền kề không đồng ý mua thì cuộc đấu giá không thành; và nếu giá trả liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá thì cuộc đấu giá cũng không thành. Và nếu sau cuộc đấu giá, người trúng đấu giá không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản thì tài sản đó cũng chưa bán được. Những trường hợp đấu giá không thành, những trường hợp tài sản không bán được do người trúng đấu giá/người mua được tài sản đấu giá vi phạm, nếu muốn xử lý tiếp thì lại phải bắt đầu lại chu trình đấu giá mới, gây mất thời gian, công sức, chi phí, làm giảm hiệu quả khai thác giá trị tài sản. Trong nhiều trường hợp, ngoài việc mất thêm chi phí, thời gian, giá bán tài sản trong những cuộc đấu giá được tổ chức lại thậm chí còn thấp hơn giá người trúng đấu giá vi phạm đã trả tại cuộc đấu giá trước đó, dẫn đến việc xử lý tài sản qua đấu giá chưa thực sự hiệu quả. Luật về bán đấu giá tài sản của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung năm 2004) quy định chế tài nặng hơn, theo đó người từ chối kết quả trúng đấu giá phải trả một khoản phí; người ủy quyền (người có tài sản đấu giá) sẽ phải trả chi phí cho việc bán đấu giá lần đầu; trường hợp giá tài sản lần bán đấu giá thấp hơn giá đã trả trước đó thì người từ chối mua tài sản bán đấu giá phải trả khoản chênh lệch đó.
Theo quy định tại Điều 51 Luật ĐGTS, nếu việc từ chối diễn ra tại cuộc đấu giá thì chỉ được bán cho duy nhất một người trả giá liền kề đủ điều kiện mua. Trong trường hợp này, có thể người trả giá cao thứ ba, hoặc thứ tư, v.v.. cộng với khoản tiền đặt trước cũng bằng, hoặc cao hơn giá đã trả của người trúng đấu giá, nhưng Luật ĐGTS chưa có quy định cho phép được tiếp tục xét bán tài sản cho những người tiếp theo này. Bên cạnh đó, Luật ĐGTS cũng chưa có quy định cho phép bán tài sản cho người trả giá liền kề nếu người mua từ chối sau cuộc đấu giá, không thanh toán tiền mua tài sản, mặc dù giá đã trả của họ cộng với khoản tiền đặt trước tịch thu từ người từ chối kết quả trúng đấu giá/không thanh toán tiền mua tài sản có thể bằng, thậm chí cao hơn giá đã trả của người từ chối. Trong trường hợp trên, nếu Luật ĐGTS cho phép bán cho người trả giá liền kề thì người có tài sản thực tế vẫn có thể thu được khoản tiền bán tài sản ít nhất bằng, thậm chí cao hơn số tiền bán tài sản cho người đã từ chối mà không phải tổ chức đấu giá lại. Tham khảo quy định tương tự trong Luật thi hành án dân sự năm 1979 của Nhật Bản (được sửa đổi năm 1989) cho thấy, phạm vi những người trả giá liền kề có cơ hội được mua tài sản được mở rộng hơn. Theo Điều 67 (Đề nghị mua thứ cấp) và Điều 80 (Hậu quả của việc không thanh toán tiền mua tài sản) Luật thi hành án dân sự của Nhật Bản, trường hợp người mua không thanh toán tiền mua tài sản thì một trong số những người đã đặt giá cao hơn giá bán thấp nhất có thể trở thành người mua được tài sản nếu có mức giá trả vượt quá số tiền mà người trả giá cao nhất đã trả sau khi trừ đi số tiền bảo đảm người này đã đặt cọc và có đề xuất được mua tài sản.
|
Do vậy, có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ĐGTS, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung quy định tại các điểm c, đ khoản 6 Điều 39, khoản 3 Điều 44 và Điều 51 Luật ĐGTS theo hướng: (1) Trường hợp người trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá, hoặc từ chối ký biên bản đấu giá là vi phạm hợp đồng. Người từ chối phải bị xử lý theo chế tài của vi phạm hợp đồng. (2) Bên cạnh đó, để hạn chế các cuộc đấu giá không thành, hạn chế cuộc đấu giá thành nhưng tài sản không bán được do người mua không thanh toán tiền, dẫn đến phải tổ chức đấu giá đi đấu giá lại nhiều lần, làm cho quá trình xử lý tài sản kéo dài, gây lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác giá trị tài sản, có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ĐGTS theo hướng mở rộng phạm vi những người tham gia đấu giá có cơ hội được mua tài sản công trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài.
|
Việt Nam hiện đang áp dụng mô hình đấu giá không có bảo lưu (auction without reserve), theo đó, người có tài sản đấu giá chỉ đưa ra giá khởi điểm, công khai giá khởi điểm cho tất cả mọi người. Tài sản sẽ được bán tài sản cho người trả giá cao nhất nếu có giá trả cao hơn giá khởi điểm hoặc ít nhất bằng giá khởi điểm trong trường hợp không có ai trả giá cao hơn giá khởi điểm. Ở mô hình đấu giá này, do biết trước giá khởi điểm, biết trước tài sản có thể được bán bằng giá khởi điểm nếu tất cả những người tham gia đấu giá không có ai trả cao hơn giá khởi điểm nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tiêu cực, thông đồng giữa các bên liên quan nhằm dìm giá tài sản. Giá bán tài sản trong những cuộc đấu giá có thông đồng thường khá thấp, bởi sự thông đồng trong đấu giá “làm giảm lợi nhuận của người bán”.
Đấu giá có bảo lưu (auction with reserve) là cuộc đấu giá mà người có tài sản đấu giá sẽ xác định trước mức giá thấp nhất (giá bảo lưu) và chỉ chấp nhận bán tài sản khi có người trả ít nhất bằng hoặc cao hơn giá bảo lưu. Giá bảo lưu (reserve price) là mức giá tối thiểu mà người bán chấp nhận bán tài sản và được giữ bí mật. Ở hình thức đấu giá này, giá khởi điểm đưa ra công khai thường rất thấp, thậm chí giá là 0 đồng để thu hút được nhiều nhất những người quan tâm tham gia đấu giá, từ đó tăng tính cạnh tranh, tăng cơ hội để tài sản được bán với giá cao nhất. Cùng với giá khởi điểm thấp được đưa ra công khai thì giá bảo lưu lại được giữ bí mật với người tham gia đấu giá. Khi giá cao nhất cuối cùng tại cuộc đấu giá được xác định mà bằng hoặc cao hơn giá bảo lưu, tài sản đấu giá sẽ được bán; ngược lại, nếu giá cao nhất cuối cùng vẫn thấp hơn giá bảo lưu, tài sản sẽ không được bán và cuộc đấu giá không thành. Do giá bảo lưu được giữ bí mật nên những người liên quan khó bàn bạc, thỏa thuận, dàn xếp để thông đồng với nhau nhằm mua tài sản với giá thấp nhất. Nếu muốn mua tài sản, người tham gia đấu giá phải trả giá dựa trên giá thị trường theo sự tính toán của mỗi người. Và sự cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá trong những cuộc đấu giá này sẽ tạo cơ hội cho người bán tối đa hóa lợi nhuận thu được.
Với nhiều ưu điểm, mô hình đấu giá tăng dần có bảo lưu đã được áp dụng phổ biến trên thế giới, tuy nhiên chưa được ghi nhận và áp dụng tại Việt Nam. Trong khuôn khổ Dự án Luật sửa đổi, sẽ khó để áp dụng ngay mô hình đấu giá có bảo lưu, bởi đây là chính sách còn khá mới tại Việt Nam. Và để áp dụng chính sách này, cần nghiên cứu để có thể đưa ra những sửa đổi, bổ sung trong Luật ĐGTS cho phù hợp. Bên cạnh đó, khi áp dụng chính sách này, pháp luật chuyên ngành về các loại tài sản đấu giá cũng đồng thời phải sửa đổi những quy định liên quan đến giá khởi điểm/giá bảo lưu. Do vậy, cần nghiên cứu để áp dụng mô hình này trong thời gian sớm nhất trong khi điều kiện cho phép.
|
Có thể thấy, đấu giá tài sản thường trải qua 3 giai đoạn: (1) Giai đoạn trước khi đấu giá (xử lý đưa tài sản ra đấu giá, xác định giá khởi điểm…); (2) Giai đoạn tổ chức đấu giá (xây dựng và ban hành Quy chế, Thông báo đấu giá tài sản; niêm yết, thông báo công khai việc ĐGTS; tổ chức cho xem tài sản đấu giá; tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; tổ chức cuộc đấu giá... ) và (3) Giai đoạn sau khi đấu giá (phê duyệt kết quả, nộp tiền trúng đấu giá…). Các hoạt động trong giai đoạn (1) và (3) sẽ do người có tài sản đấu thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với từng loại tài sản đưa ra đấu giá. Trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá trong giai đoạn (2) sẽ do các tổ chức ĐGTS thực hiện theo quy định của Luật ĐGTS, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ĐGTS. Do vậy, để tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động ĐGTS, bên cạnh việc hoàn thiện Luật ĐGST, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định có liên quan đến ĐGTS quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành đối với từng loại tài sản đưa ra đấu giá./.
Nguồn: Quochoi.vn