SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
6
0
6
0
8
Tin tức sự kiện 05 Tháng Tư 2013 8:10:00 SA

Nâng cao hiệu quả chi đầu tư phát triển từ NSNN

Năm 2012 trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, công tác quản lý chi NSNN, đặc biệt là chi đầu tư phát triển được tăng cường, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Trong năm 2013, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và nhất quán chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ, xác định lộ trình và thứ tự ưu tiên hợp lý để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.


 

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

 

Tăng cường kỷ luật tài chính trong sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước
Nhìn một cách tổng thể, trong năm 2012, công tác tổ chức điều hành NSNN đã được triển khai tích cực, chủ động. Trong điều kiện thu khó khăn, công tác quản lý chi NSNN được tăng cường, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Cùng với việc nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên, Chính phủ đã chủ trương hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chi ngân sách đúng chế độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển. Qua đó, NSNN đã đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán.
Báo cáo mới đây của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, những năm qua, công tác quản lýđầu tư xây dựng sử dụng vốn NSNN được tăng cường, đồng bộ; thực hiện đình, hoãn hoặc giãn tiến độ các dự án không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng được các bộ, ngành, địa phương triển khai khá đồng bộ. Trong đó, đã tập trung vào các biện pháp tiết kiệm trong khâu thẩm định dự toán, tổ chức đấu thầu, quyết toán công trình đã thực hiện. Các biện pháp này, nhất là việc tăng cường thẩm tra, thẩm định quyết toán dự án không chỉ đem lại kết quả về tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng mà còn góp phần nâng cao kỷ luật tài chính trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.
Ngay từ năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2008, thực hiện đình hoãn hoặc giãn tiến độ các dự án không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, qua đó có nguồn vốn điều chuyển cho các dự án có điều kiện hoàn thành sớm để phát huy hiệu quả ngay. Theo thống kê, năm 2008, đã có 1.968 dự án (sử dụng nguồn vốn NSNN) hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch với tổng số vốn là 5.991 tỷ đồng. Năm 2009, tổng chi đầu tư phát triển đạt 78.975 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, tăng 8,8% so với năm 2008. Số dự án hoàn thành được duyệt quyết toán là 16.883 dự án, với số vốn là 30.973,8 tỷ đồng. Năm 2010, khối lượng thực hiện vốn đầu tư từ NSNN đạt trên 106,12 tỷ đồng, bằng 82,7% kế hoạch năm, cùng với đó công tác đấu thầu trong đầu tư xây dựng được thực hiện nghiêm túc, góp phần tiết kiệm 1.762,61 tỷ đồng, trong đó khối các cơ quan trung ương là 455.74 tỷ đồng và các tỉnh, thành phố là 1.306,87 tỷ đồng...
Năm 2011, công tác phân bổ kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tiến độ, thời gian và đã tích cực rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nhằm sử dụng hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Cụ thể, các bộ, ngành và địa phương đã ngừng khởi công mới, cắt giảm, giãn tiến độ, điều chuyển vốn của 2.538 dự án là 9.452 tỷ đồng, trong đó: vốn NSNN đã ngừng khởi công mới, cắt giảm, giãn tiến độ, điều chuyển vốn của 2.103 dự án là 6.532,7 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ đã ngừng khởi công mới, cắt giảm, giãn tiến độ, điều chuyển vốn của 232 dự án là 2.463 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết đã ngừng khởi công mới, cắt giảm, giãn tiến độ, điều chuyển vốn của 203 dự án là 455,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác kiểm soát thanh, quyết toán vốn đầu tư được tăng cường và cải tiến phương thức, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý cho chủ đầu tư, giảm bớt khó khăn về vốn cho các nhà thầu, như: Đơn giản hóa chứng từ thanh toán; thực hiện thanh toán trước, chấp nhận sau đối với từng lần tạm ứng, thanh toán của gói thầu và hợp đồng thanh toán nhiều lần; kiểm soát trước, thanh toán sau đối với hợp đồng thanh toán một lần và lần thanh toán cuối cùng của gói thầu, hợp đồng thanh toán nhiều lần. Trong 6 tháng đầu năm 2012, thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán 9.727 dự án hoàn thành trong cả nước, đã cắt giảm các khoản chi phí sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ, góp phần tiết kiệm cho NSNN 803,89 tỷ đồng, trong đó khối các cơ quan trung ương là 1.415 dự án, tiết kiệm 306,9 tỷ đồng; khối địa phương là 7.248 dự án, tiết kiếm 298,9 tỷ đồng; khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 1.064 dự án, tiết kiệm 198,5 tỷ đồng.
Ưu tiên bố trí vốn cho dự án trọng điểm
Trong năm 2012, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Chủ động triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, kịp thời đề ra các chính sách quản lý vốn đầu tư hiệu quả.
Bên cạnh đó, đã hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản; thẩm tra hồ sơ thanh toán đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ, mức vốn tạm ứng, thời hạn thanh toán vốn ứng trước; Tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 và các dự án trọng điểm cấp bách; xem xét bố trí vốn để thanh toán khối lượng đã thực hiện và thi công đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý các hạng mục dở dang của các dự án phải giãn, hoãn tiến độ thực hiện sau năm 2015.
 Bộ Tài chính cũng đã ban hành các văn bản yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm chế độ tạm ứng, quản chặt chẽ đúng quy định vốn tạm ứng đối với công tác giải phóng mặt bằng; đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước các cấp thực hiện một số các giải pháp về giao kế hoạch vốn, kiểm soát chi, sự phối hợp giữa cơ quan tài chính và kho bạc nhà nước ... nhằm đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch và thanh toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2012; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản kế hoạch năm 2012.
 Trong năm 2013, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác chi đầu tư phát triển từ NSNN, trái phiếu Chính phủ và các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng hóa thị trường trái phiếu theo hướng tăng cường các công cụ nợ có kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên; Thực hiện đẩy nhanh việc phân bổ, giao kế hoạch và bố trí vốn đủ 12 tháng vốn đầu tư XDCB, vốn trái phiếu Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn các Chương trình MTQG năm 2013 và các năm tiếp theo, kết hợp lồng ghép các Chương trình MTQG triển khai trên cùng địa bàn để nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn. Thực hiện đầy đủ và nhất quán chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ, xác định lộ trình và thứ tự ưu tiên hợp lý để xử lý nợ đọng XDCB, đặc biệt là quán triệt tinh thần của Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 10-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ.
(Theo www.mof.gov.vn)

Số lượt người xem: 4596    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm