SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
7
5
3
3
3
0
Tin tức sự kiện 28 Tháng Hai 2013 4:25:00 CH

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Thủ tướng chỉ đạo các công tác cần tập trung triển khai sau Tết; phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế; trợ cấp thêm 50% lương đối với cán bộ y tế luân phiên xuống tuyến dưới; sửa đổi 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 18-23/2/2013.


 

Ảnh minh họa


Các công tác cần tập trung triển khai sau Tết

Tại Thông báo số 79/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; tích cực chuẩn bị các đề án, công việc trong chương trình công tác tháng 2 và quý I/2013.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động khẩn trương triển khai giải quyết, xử lý công việc ngay sau khi nghỉ Tết bảo đảm chất lượng và tiến độ; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; không tổ chức du Xuân, dự lễ hội, liên hoan sa đà, lãng phí.
Phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Theo đó, sẽ huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30 - 35% GDP, duy trì ở mức hợp lý các cân đối lớn của nền kinh tế như: tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, ngân sách nhà nước, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ công và nợ nước ngoài quốc gia,...
Trong giai đoạn 2013 - 2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng, trước hết tập trung xử lý nợ xấu của cả hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính, bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả và phát triển ổn định, bền vững, tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sử hữu, quy mô và loại hình,...
Về tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sẽ thực hiện phân loại, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào các lĩnh vực chính gồm công nghiệp quốc phòng, các ngành, lĩnh vực công nghiệp độc quyền tự nhiên hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn; đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu...
Trợ cấp thêm 50% lương đối với cán bộ y tế luân phiên xuống tuyến dưới
Quyết định 14/2013/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bác sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, các đối tượng trên trong thời gian đi luân phiên sẽ hưởng 100% tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề); phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, phụ cấp đặc biệt; phụ cấp khu vực (nếu có) như đối với người hành nghề tại nơi đến công tác; phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế như: Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và chế độ làm đêm, thêm giờ (nếu có) theo chế độ quy định và các quyền lợi khác như: Thu nhập tăng thêm, tiền thưởng (nếu có).
Ngoài ra, những đối tượng này trong thời gian luân phiên cũng được hưởng chế độ đặc thù với người hành nghề đi luân phiên. Cụ thể, được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Ngoài ra, còn được hưởng thù lao biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tập huấn; tiền báo cáo viên theo chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức nhà nước hiện hành khi tham gia các lớp tập huấn trong thời gian đi luân phiên.
Đặc biệt, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian đi luân phiên (có quyết định khen thưởng của đơn vị, nơi người hành nghề đến luân phiên) thì được xét ưu tiên nâng bậc lương trước thời hạn, thay đổi chức danh nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.
Sửa đổi 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Theo Quyết định 342/QĐ-TTg sửa đổi 5 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009, 5 tiêu chí được sửa đổi là tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về về cơ cấu lao động, tiêu chí số 14 về giáo dục và tiêu chí số 15 về y tế.
Quyết định 491/QĐ-TTg quy định nội dung tiêu chí thu nhập là thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh. Cụ thể, để đạt tiêu chí thu nhập thì thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh phải từ 1,2 - 1,5 lần (tùy từng vùng).
Còn theo quy định mới, nội dung tiêu chí thu nhập lại là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (triệu đồng/người). Quyết định cũng quy định cụ thể chỉ tiêu thu nhập đối với từng vùng cũng như lộ trình từng giai đoạn.
Tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động cũng được đổi thành tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.
Theo đó, thay vì tính theo tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thì quy định mới tính theo tỷ lệ người làm việc trên dân số trong độ tuổi lao động.
Đối với chỉ tiêu này, quyết định nêu rõ chỉ tiêu chung và từng vùng là đạt từ 90% trở lên.
Về tiêu chí chợ nông thôn, nội dung "chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng" được thay thế bằng nội dung "chợ theo quy hoạch, đạt chuẩn theo quy định".
Quyết định cũng sửa đổi nội dung "phổ cập giáo dục trung học" trong tiêu chí về giáo dục thành "phổ cập giáo dục trung học cơ sở".
Nội dung tỷ lệ người dân tham gia các hình thức Bảo hiểm y tế trong tiêu chí số 15 về y tế được sửa đổi thành "Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế" với chỉ tiêu chung cho cả nước đạt từ 70% trở lên, chỉ tiêu cho các vùng là đạt.
Phê duyệt Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp
Theo Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2013 - 2015, thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức khác và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Trong đó, năm 2013 bảo đảm trên 30% thông tin lý lịch tư pháp chính thức trao đổi giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp được thực hiện dưới dạng điện tử. Đến năm 2016,  bảo đảm trên 90 - 95% thông tin lý lịch tư pháp chính thức trao đổi giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp được thực hiện dưới dạng điện tử.
Trong giai đoạn 2016 -  2020, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tập trung, thống nhất tại Bộ Tư pháp (mô hình cơ sở dữ liệu một cấp). Đồng thời, triển khai hình thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua mạng - cấp độ 4 của dịch vụ hành chính công trực tuyến (nhận và trả kết quả qua mạng).
Năm 2013 là Năm gia đình Việt Nam
Trên cơ sở đề nghị của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy năm 2013 là Năm gia đình Việt Nam, làm chủ đề chỉ đạo tổ chức các hoạt động xây dựng gia đình.
Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan tổ chức những hoạt động thích hợp cụ thể và thiết thực nhân Năm gia đình Việt Nam năm 2013.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh - Ảnh minh họa

Tại Thông báo số 74/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Y tế cần tập trung nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; triển khai hiệu quả giảm quá tải bệnh viện; thực hiện điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế theo lộ trình thích hợp gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ và phải quyết liệt thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành. Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ thầy thuốc, từ bác sỹ đến điều dưỡng viên; chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và ứng dụng kỹ thuật cao trong y tế; phát triển y học cổ truyền. 
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Y tế tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Cụ thể, bên cạnh giải pháp tiếp tục đầu tư để tăng số giường bệnh, cần quan tâm xây dựng bệnh viện vệ tinh, nghiên cứu phát triển mạng lưới bác sỹ gia đình; nghiên cứu giảm hợp lý thời gian người bệnh nằm điều trị nội trú.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng việc luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên về tuyến dưới để vừa cải thiện chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vừa đào tạo nâng cao trình độ cán bộ cấp cơ sở, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và nâng dần chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2013, ngành Y tế cần coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đạt được những chuyển biến thực sự.
Đến năm 2020, không có hộ đói do thanh niên làm chủ hộ
Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2015: 100% Đoàn xã tổ chức lực lượng đóng góp ngày công tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; 100% cơ sở đoàn có hoạt động, hoặc công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới hàng năm.
Đồng thời, mỗi năm tổ chức đoàn hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng được tối thiểu 01 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên/năm/xã. Cũng như bảo đảm 100% Đoàn xã có đội hình thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường nông thôn; 100% chi đoàn ở nông thôn đăng ký và đảm nhận "Đoạn đường thanh niên tự quản".
Trên cơ sở đó, đến năm 2020 phấn đấu không có hộ đói do thanh niên làm chủ hộ và giúp 20.000 hộ thanh niên thoát nghèo bền vững. Mỗi năm các cơ sở đoàn tham gia sửa chữa, bảo dưỡng được tối thiểu 5.000 km đường giao thông nông thôn; 2.000 km thủy lợi nội đồng.
Đặc biệt, xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 5.000 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, 5.000 tổ tiết kiệm tại các xã. 
Phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch
Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2015 thu hút 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 36-37 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD.
Đến năm 2020 số khách quốc tế tăng lên 10-10,5 triệu lượt, phục vụ 47-48 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch tăng lên 18-19 tỷ USD.
Chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2015 nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cho 30% sản phẩm du lịch của các khu, điểm du lịch trên toàn quốc; đến năm 2020 nâng cấp được khoảng 70% sản phẩm du lịch của các khu, điểm du lịch trên toàn quốc.
Kéo dài thời gian làm việc của giảng viên là giáo sư, tiến sĩ
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó có quy định cụ thể về việc kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đến tuổi nghỉ hưu, để giảng dạy, nghiên cứu khoa học đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học.
Phấn đấu đến cuối năm cơ bản chấm dứt tình trạng gia cầm nhập lậu
Tại Thông báo 70/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra là đến cuối năm 2013 cơ bản chấm dứt tình trạng gia cầm nhập lậu vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng, trực tiếp làm việc, yêu cầu các chủ đường dây vận chuyển, các hộ kinh doanh gà trên địa bàn ký cam kết không vận chuyển kinh doanh gà nhập lậu; hướng dẫn, vận động, tạo điều kiện  cho họ chuyển sang kinh doanh tiêu thụ gà trong nước. Hoàn thành trước ngày 28/2/2013.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc, trọng điểm là Hải Phòng và Thái Bình chỉ đạo tổ chức lực lượng phòng, ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm nhập lậu theo đường biển vào sâu trong nội địa.
Miễn, giảm học phí khi học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh
Đề án "Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020" đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020 số lượng đào tạo nhân lực y tế các chuyên ngành thuộc Đề án ước tính 2.500 người.
Trong đó, 30 người trình độ Tiến sĩ; 30 thạc sĩ; 170 bác sĩ chuyên khoa cấp 2; 570 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 1500 bác sĩ đa khoa định hướng chuyên ngành; 200 cử nhân xét nghiệm kỹ thuật định hướng chuyên ngành giải phẫu bệnh và pháp y.
Tổng số nhân lực trên được phân bổ như sau: Chuyên ngành Lao 250; chuyên ngành Phong 550; chuyên ngành Tâm thần 600; chuyên ngành Pháp y 550; chuyên ngành Giải phẫu bệnh 550.

Đề án cũng đặt mục tiêu 90 - 100% bệnh viện, viện tuyến trung ương và các cơ sở đào tạo, 70 - 90% bệnh viện, viện tuyến tỉnh và các cơ sở đào tạo có đủ nhân lực các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh; 50 - 70% bệnh viện tuyến huyện có đủ nhân lực các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần.

 

(Theo Chinhphu.vn)


Số lượt người xem: 4007    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm