SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
6
6
2
2
6
8
Tin tức sự kiện 19 Tháng Hai 2012 9:25:00 CH

Phân phối kém, giá gas “loạn”

Gas là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nên việc tăng hay giảm sẽ phải đăng ký giá với cơ quan quản lý giá. Tuy nhiên, việc giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng có đúng như đã đăng ký hay không vẫn được xem là hiếm. Hiện, mỗi bình gas tại cửa hàng bán lẻ ở địa bàn Hà Nội có giá từ 440.000 – 460.000 đồng/bình 12kg, trong khi phía các doanh nghiệp đầu mối thông báo mức giá thấp hơn là 425.000 đồng/bình 12kg.

 


Ảnh minh họa: Nguồn Internet
VÌ ĐÂU GAS “LOẠN” GIÁ?
 
Các cú tăng giá gas liên tiếp trong năm 2011 cộng với 3 lần tăng liên tiếp trong 2 tháng đầu năm 2012 đã đẩy giá gas tại Việt Nam lên cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo quy định hiện hành, mặt hàng gas được áp dụng theo cơ chế giá thị trường, nhưng khi doanh nghiệp (DN) điều chỉnh giá thì có những DN phải đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước về giá ở Trung ương (Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính) và có những DN phải đăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước về giá ở địa phương (Sở Tài chính). Đợt điều chỉnh giá vừa qua, các DN phải đăng ký giá tại Cục Quản lý Giá đều gửi phương án đăng ký điều chỉnh giá và Cục Quản lý Giá đã thực hiện kiểm soát từng yếu tố hình thành giá.
 
Qua kiểm soát, Cục Quản lý Giá cho biết việc điều chỉnh giá vừa qua là phù hợp với xu thế biến động của giá thị trường thế giới. Bởi vì giá gas trong nước tăng trên 3.000 đồng/kg chủ yếu do giá thế giới tăng 145 USD/tấn (145 USD x 1,05 về thuế nhập khẩu x 21.000 đồng về tỷ giá VNĐ/USD), còn các yếu tố cấu thành giá khác như khấu hao bình, chi phí nhân công, chi phí kinh doanh..cơ bản không thay đổi so với tháng trước.
 
Tuy nhiên, việc giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng đúng như đã đăng ký vẫn được xem là hiếm. Về vấn đề này, Hiệp hội Gas Việt Nam nhìn nhận, khó kiểm soát giá gas bán lẻ do nhiều DN kinh doanh gas theo phương thức mua đứt bán đoạn. Nhiều cửa hàng, đại lý tự ý nâng giá bán lẻ cho người tiêu dùng.
 
Thực tế đã được chứng minh qua cuộc kiểm tra giá gas trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy: Chỉ trong gần 1 tuần kiểm tra, lực lượng chức năng đã kiểm tra 45 vụ, trong đó 24 điểm không vi phạm, 16 điểm không tồn tại trên thực tế. Trong số 3 vụ vi phạm có 2 vụ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 1 vụ không niêm yết giá. Cũng qua công tác kiểm tra, giá gas DN đăng ký với Sở Tài chính Hà Nội là 441.000 đ/bình (loại 12kg), nhưng có nơi người tiêu dùng phải mua với giá gas từ 460.000 – 470.000 đ/bình. Hiện có 50% số DN đăng ký giá bán buôn, nên việc kiểm soát giá bán lẻ là rất khó. Đại diện một đơn vị kinh doanh gas lớn tại Hà Nội cũng cho rằng, việc kiểm soát giá của DN chỉ có thể đến đại lý cấp 1, còn với những đại lý cấp 2, cấp 3, thì không thể kiểm soát hết được.
 
Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhất là từ đầu tháng 2, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra tại các DN kinh doanh gas, một số DN tuyên bố giảm giá gas từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/bình 12kg cho các đại lý. Tuy nhiên, động thái náy có giúp gas trên thị trường bán lẻ giảm xuống và tác động tích cực đối với người tiêu dùng hay không thì vẫn cần sự phối hợp giám sát giữa các bộ, ngành có liên quan.
 
SẼ CÂN NHẮC VIỆC GIẢM THUẾ
 
Trong một diễn biến khác, trao đổi với báo chí bên lề một cuộc hội thảo vừa được tổ chức hôm đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, đã tiếp nhận và giao cho các cơ quan của Bộ tính toán, cân nhắc phương án giám thuế nhập khẩu do Hiệp hội Gas đề xuất. Cụ thể, là giảm thuế áp đối với mặt hàng khí hóa lỏng (LPG) từ mức 5% hiện nay, xuống 2% Bộ trưởng cũng lưu ý là phương án này thực chất đã được bộ cân nhắc từ lâu, chứ không phải đến khi Hiệp hội Gas đề xuất mới tính tới. Tuy vậy, người đứng đầu ngành Tài chính cũng cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu gas phải đạt trong bối cảnh điều hành giá chung, cân nhắc tác động giữa giá gas và giá các mặt hàng khác.
 
Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, thời tiết lạnh giá ở khu vực bắc bán cầu (đặc biệt là Châu Âu) cũng như căng thẳng ở khu vực Trung Đông là hai nguyên nhân chính đẩy giá dầu và gas tăng cao, tác động đến giá bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, những yếu tố này có thể thay đổi; vì vậy, thời điểm giảm thuế gas trong tổng thể giữa các mặt hàng cũng cần được cân nhắc kỹ.
 
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc giảm thuế nhập khẩu gas theo đề xuất của Hiệp hội Gas, từ 5% xuống 2%. Trong thời gian giá gas tăng, Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật Nhà nước về quản lý giá. Trong đó, yêu cầu các Sở Tài chính sẽ kiểm tra về việc đăng ký, kê khai, niêm yết giá và công khai thông tin về giá đã đăng ký.
  

(Theo Thời báo Tài chính)


Số lượt người xem: 3010    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm