SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
2
7
8
1
7
0
6
Tin tức sự kiện 15 Tháng Chín 2011 8:05:00 CH

TP Hồ Chí Minh: Tạo nguồn hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nhâm Thìn

UBND thành phố vừa công bố kế hoạch tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết Nhâm Thìn 2012 với tổng nguồn vốn 3.464 tỉ đồng. Các loại hàng hóa sẽ được dự trữ trong vòng hai tháng cho mùa Tết.

Hàng Tết tăng 20% so với Tết trước

Có 21 doanh nghiệp đã tham gia chương trình bình ổn giá 9 nhóm hàng gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản với giá bán thấp hơn giá thị trường 10%.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết,tính đến thời điểm này, lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường Tết Nhâm Thìn 2012 đã được các doanh nghiệp dự trữ đầy đủ, chiếm 30-40% nhu cầu thị trường (riêng mặt hàng thịt gia cầm chiếm trên 80%) tăng khoảng 20% so với Tết Tân Mão năm 2011.

Nhiều mặt hàng chuẩn bị với lượng rất cao so với nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, đường RE, dầu ăn, trứng gia cầm, gia súc và thực phẩm chế biến. Trong đó, có những mặt hàng dự trữ tăng gấp 2-3 lần so với năm ngoái. Hiện các DN đã dự trữ 7.500 tấn gạo nếp; 5.600 tấn đường; 9.000 tấn dầu ăn, 4.500 tấn thịt gia súc (riêng Vissan chuẩn bị 2.000 tấn); 2.579 tấn gà; 28,2 triệu trứng gia cầm...

Đơn cử, UBND TP. HCM giao cho Công ty Vissan trữ 3.000 tấn thịt/tháng để phục vụ nhu cầu Tết, nhưng TGĐ Công ty Vissan Văn Đức Mười cho biết Vissan đã chuẩn bị trên 4.000 tấn/tháng.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, Ba Huân hiện cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu trứng gia cầm/ngày, riêng hàng Tết từ 2-3 triệu trứng/ngày.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hàng bình ổn Saigon Co.op đã dự trữ trong kho đạt khoảng 20.000 tấn, tăng từ 3 - 5 lần so với sản lượng được giao.

Theo Sở Công Thương TP. HCM, tính đến nay các doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cung ứng trước, trong và sau Tết Nhâm Thìn đã nhiều hơn dự định. Cụ thể tổng nguồn vốn mà các doanh nghiệp dành cho chương trình bán hàng bình ổn giá là 3.464 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cho nguồn hàng bình ổn thị trường Tết  là 1.151 tỷ phục vụ cho tháng Tết. Các mặt hàng cung ứng cho tháng Tết chiếm từ 20% đến 50% nhu cầu thị trường.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM nhận xét, với những gì các doanh nghiệp đã chuẩn bị, nguồn hàng Tết Nhâm Thìn sẽ dồi dào, giá có thể nhích lên vừa phải chứ không cao quá mức như nhiều năm qua.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc kế hoạch

Tuy nhiên, theo bà Lê Ngọc Đào, việc quan trọng nhất hiện nay là theo dõi sát diễn biến giá thị trường. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc kế hoạch tạo nguồn hàng, cung ứng hàng ra thị trường của doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác chuẩn bị nguồn hàng, giá bán, mạng lưới phân phối… của các DN để hạn chế tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Để có nguồn hàng phong phú, chất lượng, giá cả hợp lý  trong dịp Tết sắp tới, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP. HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng ngành văn hóa không xử phạt việc treo băng rôn “bình ổn giá” của doanh nghiệp trong khi thực hiện chương trình. Sở cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các hội đoàn, doanh nghiệp, các hợp tác xã tích cực hỗ trợ ngành Công Thương để tổ chức điểm phân phối hàng bình ổn giá trung tâm trên địa bàn quận huyện; cấp phép cho xe vận tải do doanh nghiệp thuê ngoài lưu thông vào giờ cao điểm mùa Tết.

Ngoài việc đề suất các cơ quan tham gia hỗ trợ cho chương trình, ngành công thương thành phố đã có kế hoạch tăng cường công tác kiểm soát thị trường, chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại, các hành vi găm hàng, ngăn chặn tình trạng tung tin đồn thất thiệt làm biến động thị trường và cương quyết xử nặng các hành vi vi phạm.

Cho đến nay, TP.HCM đã có 2.527 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng 359 điểm so Tết Tân Mão 2011 và tăng 211 điểm so đầu chương trình (ngày 1/4/2011), đảm bảo mạng lưới rộng khắp phục vụ bà con trong dịp Tết.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, chương trình bán hàng bình ổn của TP.HCM đã trở thành một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả. Thông qua chương trình, ngoài tính khuyếch trương thương hiệu cho sản phẩm, kênh phân phối hàng hóa theo giá bình ổn cũng đã giúp cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư chiều sâu cho sản xuất, đầu tư con giống, công nghệ hiện đại, mở rộng mạng lưới phân phối... góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nguồn hàng dồi dào, giá cả phù hợp trên thị trường.

(Theo chinhphu.vn)


Số lượt người xem: 2176    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm